Cỏ sữa lá to

Mục lục

  • Mô tả
  • Bộ phận dùng
  • Nơi sống và thu hái
  • Thành phần hoá học
  •  Tính vị, tác dụng
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp

 

Mô tả

  • Cây thảo sống hằng năm hay nhiều năm, có thân mảnh cao 15-40cm, toàn cây có lông ráp và có nhựa mủ trắng.
  • Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác, dài 4-5cm, rộng 7-15mm, mép có răng cưa nhỏ. Gốc cuống lá có 2 lá kèm nhỏ hình lông cứng.
  • Nhiều cụm hoa hình chén nhỏ ở các nách lá. Mỗi chén mang các hoa đơn tính.
  • Quả rất nhỏ, đường kính khoảng 1,5mm, khi già nứt thành 3 mảnh vỏ mang 3 hạt rất nhỏ.
  • Mùa ra hoa : tháng 5-10.

Bộ phận dùng

Toàn cây – Herba Euphorbiae Hirtae.

Nơi sống và thu hái

Loài liên nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi, ở những chỗ đất có sỏi đá, bãi cỏ, đường đi. Thu hái cây vào mùa hè thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Thành phần hoá học

Hoạt chất của cỏ sữa lá lớn là cholin và acid shikimic

Các thành phần khác bao gồm: Triterpen, ester của taraxeron, sterol, flavonoid, acid phenolic, tannin, đường glucose, fructose, albumin, acid amin tự do, tinh dầu, chất nhựa và alcaloid

 Tính vị, tác dụng

Cây có vị hơi đắng và chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa; cây còn có tính làm dịu, chống co thắt và làm dễ thở.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Người ta dùng Cỏ sữa để chữa:

  • Lỵ trực khuẩn, lỵ amíp;
  • Viêm ruột cấp, khó tiêu, viêm ruột non do Trichomonas;
  • Viêm khí quản mạn tính;
  • Viêm thận, viêm bể thận. Dùng ngoài trị eczema, viêm da, hắc lào, zona, apxe vú, viêm mủ da. Còn dùng cho phụ nữ đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa.

Ở Ấn Ðộ, cỏ sữa lá lớn được dùng trị bệnh giun ở trẻ em, bệnh đường ruột và ho; dịch lá dùng trị lỵ và cơn đau bụng, nước sắc cây dùng trị bệnh về phế quản và hen; nhựa cây đắp trị hột cơm, mụn cóc.

Ở phương Tây, cỏ sữa được dùng trị bệnh đường hô hấp (hen, sổ mũi, khí thũng, ho mạn tính). Còn dùng chữa bệnh về mắt (viêm kết mạc, loét giác mạc). Nó có tính gây xót đối với niêm mạc dạ dày nên cần uống thuốc trước các bữa ăn.

Cách dùng

Có thể dùng dưới nhiều dạng. Nếu hãm, lấy 1g cho vào trong 1 chén nước sôi, mỗi ngày uống 2 chén. Hoặc dùng cao lỏng 0,50g – 1,50g hàng ngày. Hoặc dùng cao nước rượu 0,05-0,10g hàng ngày, dạng potio. Hoặc dùng cồn thuốc 1-3g mỗi ngày. Người ta cũng thường dùng nước nấu cây để chữa bệnh ngoài da hoặc giã đắp ngoài.

Ghi chú: Không dùng quá liều vì cây có độc, sẽ gây ỉa chảy và làm tim hoạt động bất thường. Có thể giải độc bằng nước sắc Cam thảo và Kim ngân hoa, mỗi vị 12-16g.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *