Cỏ Sữa Lá Nhỏ

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố sinh thái
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng dược lý
  • Tính vị, công năng
  • Công dụng

Mô tả

  • Cây thân thảo, sống hằng năm hoặc sống dai, có nhựa mủ. Thân và cành mảnh, mọc tỏa rộng trên mặt đất, màu đỏ tím, có lông rất nhỏ.
  • Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 7mm, rộng 4mm, gốc và đầu tù, mép có răng cưa nhỏ, mặt dưới phủ lông mịn, gân chính và gân bên nổi rõ, lá kèm nhỏ, hình dải.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim ít hoa; hoa hình chuông, 5 thùy hình tam giác nhọn, bầu có lông.
  • Quả nang, có lông nhỏ; hạt nhẵn có 4 cạnh.
  • Mùa hoa quả: tháng 5-10.

Phân bố sinh thái

Ở Việt Nam, chi Euphorbia L. có 24 loài, trong đó gần 10 loài được dùng làm thuốc. Loài cỏ sữa lá nhỏ phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, Ấn Độ, Camphuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippin, Brunei, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam Cây cũng được ghi nhận ở một số nước vùng Nam Mỹ.

Cỏ sữa lá nhỏ mọc rải rác khắp các tỉnh đồng bằng, ven biển, hải đảo, trung du và miền núi.

Bộ phận dùng

Toàn cây cỏ sữa lá nhỏ, thu hái vào mùa hè cùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học

  • Bộ phận trên mặt đất có cpitaraxerol, quercetin 30- galactosid và alcol.
  • Lá và thân có flavonoid là cosmosin.
  • Rễ có alcol myricylic, laraxerol và tyrucalol.
  • Cỏ sữa lá nhỏ chứa tinh dầu màu xanh, mùi đặc biệt, vị kích ứng. Thành phần gồm cymol, carvacrol, limonen, sesquiterpene và acid salicylic.

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn: Cao lỏng cỏ sữa lá nhỏ 1/20 – 1/40 có tác dụng ức chế sự sinh sản của các trực khuẩn lỵ Shigella flexner, S.sonnei, S. shigae. Cao chiết với nước 2/1 cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng kháng khuẩn ở mức độ trung bình trong ống nghiệm đối với các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Pseudomonas ueruginosu, Klebsiella pneumoniue, Escherichia coli, Proteus vulgaris. Salmonella ryphi. Bacillus anthrucis, Streptococcus fuecalis. Streptococcus pneumoniae.

Tác dụng cây ngưng kết hồng cầu: Sự có mặt của những ngưng kết tố hồng cầu ở nhựa của nhiều cây đã được nghiên cứu. Phần lớn các cây họ Thầu dầu có hoạt tính gây ngưng kết hồng cầu trong nghiệm pháp thử với hồng cầu của những loài động và khác nhau và các nhóm hồng cầu A,B, O của người. Hoạt tính gây ngưng kết hông cầu này trong đa số các trường hợp mang tính galactose – đặc hiệu đối với hồng cầu thuộc các nhóm A, B, O của người. Cây cỏ sữa lá nhỏ đã thể hiện hoạt tính gây ngưng kế hồng cầu đối với hồng cầu thỏ đã được cho trypsin.

Tác dụng gây hạ đường huyết: Cao chiết bột cỏ sữa lá nhỏ với methanol cho thỏ uống đã có tác dụng gây hạ đường huyết. Tác dụng này chỉ thể hiện ở thỏ có đường huyết bình thường. Ở thỏ đã gây tăng đường huyết với aloxan, cỏ sữa lá nhỏ không gây hạ đường huyết. Điều này cho phép suy đoán rằng có sữa lá nhỏ chứa hoạt chất gây hạ đường huyết mà cơ chế tác dụng do kích thích sự giải phóng insulin từ các tế bào beta của tuyến tuỵ của thỏ bình thường. Liều lượng đã dùng thí nghiệm không gây tác dụng phụ gì trên động vật.

Tính vị, công năng

Cỏ sữa có vị đắng the, tính bình, mát. Tác dụng thông huyết, cầm máu, giảm đau, tiêu độc, kháng khuẩn, thông sữa, lớn tiểu

Công dụng

Cỏ sữa lá nhỏ được dùng toàn cây làm thuốc chữa lỵ trực khuẩn rất phổ cập trong nhân dân, nhất là đối với trẻ em.

Ngoài ra, còn dùng chữa cho trẻ em ỉa phân xanh, mụn nhọt, phụ nữ băng huyết hoặc mới đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa. Ngày dùng 40 – 100g, dạng thuốc sắc. Trẻ em 10 – 20g. Dùng riêng có thể hoặc phối hợp với rau sam.

Bài thuốc có cỏ sữa lá nhỏ

1/ Chữa lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ, tiêu chảy:

Cỏ sữa lá nhỏ 100g, rau sam 80g, nước 300ml sắc còn 150 ml, uống 3 lần trong ngày.

2/ Chữa kiết lỵ:

Cỏ sữa lá nhỏ, rau sam, rau má, lá mơ, mỗi vị 8s, vỏ lựu 6g, hạt cau khô 6g, cam thảo nướng 4g, vỏ quýt 4g. Sắc uống.

3/ Chữa đại tiện, táo bón ra máu:

Cỏ sữa lá nhỏ 60g, cỏ nhọ nồi 60g, nước 250 ml. Sắc còn 100 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

4/ Chữa phụ nữ mới đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa:

Cỏ sữa lá nhỏ tươi 40g, hạt cây bông gạo 40g. Sắc kỹ lấy nước, cho gạo vào nấu cháo ăn.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *