Viêm tai ở trẻ em – Câu hỏi thường gặp

Nội dung chính

  • 1 Câu hỏi 1
  • 2 Câu hỏi 2
  • 3 Câu hỏi 3
  • 4 Câu hỏi 4

Câu hỏi 1

Người hỏi: Duyên Kim Lê – Ngày hỏi: 4/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ xem giùm phía sau lỗ tai bé nhà em không biết sao lại có vết đỏ viêm, có vảy màu vàng, em dùng nước muối sinh lý lau thì vảy vàng hết. Không biết nên dùng thuốc gì bôi cho bé ạ. Em sợ để lâu nó lan rộng ra.

Hăm kẽ tai Hăm kẽ tai

Trả lời

Chào chị. Biểu hiện của cháu nghi do Hăm kẽ. Đây là bệnh do liên cầu khuẩn thường gặp ở trẻ em và người béo bệu. Vị trí bị bệnh là nếp kẽ sau tai, nếp cổ, nách, nếp dưới vú, kẽ mông, kẻ đùi…

Da vùng nếp kẽ viêm đỏ, ngứa, có khi có mụn nước, mụn mủ, chợt chảy dịch, đóng vẩy tiết, lâu ngày có thể eczema hóa.

Điều trị: Giữ gìn vệ sinh, khô vùng nếp kẽ. Trẻ em tắm rửa vệ sinh hàng ngày, có thể xoa phấn rôm vào nếp kẽ hoặc bôi dung dịch xanh methylen 1%, tím Milian hay Metin. Khi tổn thương khô bôi kem Siliver hoặc Fucidin.

Nếu cháu quấy khóc nhiều, sốt, mệt mỏi, nôn mửa thì chị cần cho cháu đi khám bác sĩ.

Chúc cháu chóng khoẻ!

Trao đổi thêm

Bác sĩ cho em hỏi là bé nhà em mới 2 tháng thôi bé bôi loại kem siliver… được không ạ?

BS. Trả lời

Vẫn sử dụng được! Chị xem hướng dẫn trước khi dùng.

Câu hỏi 2

Người hỏi: Vy Kim – Ngày hỏi: 11/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức vs BS. Van Diep Le

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, con em được 3 tháng, bé bị viêm tai giữa đã uống thuốc Augmentin 250g và Enterogermina 5ml và nhỏ thuốc Otifar được 6 ngày rồi. Hiện tại tai trái bé đã khỏi, còn tai phải vẫn ra chút dịch và còn mùi hôi. Ngày mai 12/6 phường em có lịch chích ngừa 5 in 1 tiêm chủng mở rộng và uống Rota, bé nhà em có được đi chích không ạ. Bác sĩ điều trị tái khám cho bé em nói uống 6 ngày thuốc này thì được rồi ạ không cần tái khám lại mà hiện tại tai bé vẫn ra dịch vậy em có nên đi khám lại không ạ? Em cám ơn bác sĩ.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị. Nếu cháu không sốt liên tiếp 2 ngày nay rồi thì ngày mai chị cho cháu tiêm chủng bình thường nhé!

Chị tham khảo thêm bài viết ” Những lưu ý khi đưa trẻ đi chủng ngừa ” để chuẩn bị cho buổi tiêm chủng ngày mai.

Việc viêm tai giữa nhờ bác sĩ Van Diep Le sẽ tư vấn thêm cho chị! Trân trọng.

BS. Van Diep Le

Nếu đúng là tai trẻ còn chảy dịch thì chị nên đưa cháu tái khám. Chị nên đưa trẻ đi tái khám khi còn lo lắng về bệnh của cháu; bác sĩ khám lại sẽ tư vấn, quyết định nên dùng thuốc nữa hay là không. Trẻ dưới 5 tuổi rất hay bị viêm tai giữa, nhất là sau viêm nhiễm mũi họng, VA.

Chị tham khảo thêm bài viết ” Viêm tai giữa “.

Câu hỏi 3

Người hỏi: Tùng Anh – Ngày hỏi: 12/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức vs BS. Van Diep Le

Câu hỏi

Các bác sĩ cho em hỏi chút ạ. Đọc xong cái này em hơi hoang mang. Vì con em có cả 2 lỗ ở 2 bên tai. Thường thì em hay nặn ra cho con thì thấy như mình nặn trứng cá ấy. Không biết có như lời bạn này nói không ạ?

Dò trước tai

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị. Dò trước tai (dò Helix) là dò ngắn ở vùng trước tai. Đầu ngoài của đường dò ra da thường ở trước sụn vành tai, trên sụn bình tai. Ở dưới lỗ dò là một cái nang, nang này thường nằm sát sụn vành tai.

Bản chất của lổ dò này là một ống ăn luồng vào sụn vành tai và được lót bởi biểu mô tuyến do vậy chúng thường tiết ra chất dịch màu trắng đục như bã đậu hôi như chị mô tả. Nhưng khi có bội nhiễm thì chúng viêm lan tỏa rất nhanh tạo Abscess. Nếu viêm tái phát nhiều lần, đường dò sẽ xơ hóa và nang bị vỡ sẽ ảnh hưởng việc phẫu thuật lấy đường dò và rất dễ tái phát.

Dò Helix là bất thường thuộc về ngoại bì, chỉ ảnh hưởng từ da đến màng sụn vành tai, không liên quan đến các cấu trúc có chức năng nghe của tai, vì vậy không ảnh hưởng đến quá trình nghe của trẻ.

Nếu dò không nhiễm trùng thì không cần phải phẫu thuật. Bác sỹ có thể bơm chất ăn mòn như sút loãng (NaOH 20%), hoặc cồn Iốt 5% vào làm cháy lớp biểu bì để đường rò dính tịt lại.

Nếu nhiễm trùng, rỉ dịch nhầy, hôi, có khi đục như mủ to ra, đỏ và rất đau tạo áp xe và có thể vỡ ra da thì cần điều trị kháng sinh, và nên phẫu thuật dẫn lưu mũ. Sau khi hết viêm sẽ phải phẫu thuật lấy hết đường dò để tránh tái phát.

Tóm lại nếu chị phát hiện cháu có dò Helix thì nên chủ động đi khám Tai Mũi Họng để được tư vấn cách chăm sóc.

Chúc cháu luôn khỏe!

Nhờ bs chuyên khoa Tai Mũi Họng tư vấn thêm cho bé BS. Van Diep Le. Trân Trọng

BS. Van Diep Le

Đây thuộc nhóm bệnh bẩm sinh, thường thì lá ngoại bì nằm ngoài nhưng một số trường hợp như trường hợp này thì nằm trong và thông ra ngoài da gọi là dò, còn nếu không thông ra ngoài da thì gọi là nang. Bệnh muốn hết phải phẫu thuật lấy trọn đường dò, nếu bác sĩ không kinh nghiệm có khi sẽ tái phát sau mổ. Nếu chưa có điều kiện mổ thì nên chú ý vệ sinh tránh gây bít tắt lỗ đường dò gây viêm nhiễm và tạo Abscess, vỡ gây sẹo xấu. Các mẹ nên nên đưa trẻ đi khám ở khoa Tai mũi họng, bác sĩ  sẽ tư vấn và chỉ định mổ trên từng trường hợp cụ thể; nhiều ba mẹ đã bị Abscess rồi gây sẹo xấu thường hay đưa trẻ đi mổ sớm.

Tốt nhất vẫn là phẫu thuật để phòng biến chứng. Nếu chưa có điều kiện mổ thì để như vậy cũng được, chú ý không để bít lỗ dò bằng cách giữ vệ sinh nhất là mùa nắng nóng nhiều bụi, khi viêm nhiễm nên đi khám sớm và điều trị kịp thời.

Câu hỏi 4

Người hỏi: Huệ Hà – Ngày hỏi: 8/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Tư vấn giúp em trường hợp này. Em xin cám ơn. Bé nhà em 11 tháng, sau đầu bé tự nhiên nổi hạch 2 bên( gần tai), bé vẫn ăn, ngủ, chơi bình thường. Trường hợp này có nguy hiểm không ạ. Phải làm gì cho tiêu 2 cục hạch.

Trả lời

Chào chị. Theo mô tả của chị thì cháu chỉ bị nổi hạch bạch huyết vùng sau tai và không có hiện tượng viêm nhiễm nên không cần điều trị gì. Hạch bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimét đến khoảng 2cm, thường không đau, không nhạy cảm khi sờ.

Trong trường hợp cơ thể bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, các hạch bạch huyết sẽ phản ứng lại bằng hiện tượng viêm sưng, nóng, đỏ, đau nhưng sau khi điều trị các bệnh lý trên, các hạch sẽ nhỏ lại, hết đau. Đôi khi có trường hợp hạch sưng to và tụ mủ, lúc đó trẻ cần dược rạch thoát mủ và điều trị với kháng sinh thích hợp, khoảng 7-10 ngày sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng gì.

Chị tham khảo thêm các bài viết về chăm sóc trẻ khoẻ cũng như phòng các bệnh thường gặp trong Yhoccongdong.com để có thêm thông tin .

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *