Táo bón ở trẻ – Các câu hỏi thường gặp

Nội dung chính

  • 1 Câu hỏi 1
  • 2 Câu hỏi 2
  • 3 Câu hỏi 3
  • 4 Câu hỏi 4
  • 5 Câu hỏi 5
  • 6 Câu hỏi 6
  • 7 Câu hỏi 7

Trước khi đi vào từng câu hỏi các bạn nên đọc qua những bài viết sau:

  • Khái niệm táo bón
  • Nguyên nhân và cách điều trị táo bón

Câu hỏi 1

Người hỏi: Mỹ Quý Trương – Ngày hỏi: 28/3/2015

Tham gia tư vấn: BS. Trần Thị Kim Vân và Ths. Trần Thanh Thỏa

Câu hỏi

Bác sĩ ơi cho em hỏi con em 15 tháng, em cho bé ặn dặm từ 6 tháng tuổi vẫn bú mẹ và thêm sữa công thức, nhưng khoảng vài tháng gần đây không hiểu sao bé cứ bị bón suốt ạ, mỗi lần đi rất khó khăn và phải bơm đít, ra như viên sỏi li ti ạ. Xin bác sĩ tư vấn cho em ạ. Em xin cảm ơn.

Trả lời

BS. Trần Thị Kim Vân

Chào bạn. Bé nhà bạn mới xuất hiện táo bón gần đây thì chủ yếu là do chế độ ăn uống và chăm sóc, rất hiếm khi do bệnh lý thực thể ở đường tiêu hóa. Bạn cho bé ăn dặm từ 6 tháng và tiếp tục bú mẹ kèm sữa công thức là đúng, tuy nhiên bạn nên lưu ý thêm 1 số vấn đề:

  • Cho bé uống nhiều nước. Pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh pha đặc.
  • Bổ sung nhiều rau xanh trong khẩu phần ăn, ăn cả cái chứ không chỉ ăn nước. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất đạm cũng góp phần gây bón. Ăn thêm trái cây chín.
  • Tập cho bé đi vệ sinh mỗi ngày vào 1 giờ nhất định. Ví dụ, buổi sáng sau khi thức dậy. Mẹ masage bụng cho bé, ấn bụng với lực vừa phải, xoa từ từ theo chiều kim đồng hồ (cách rốn khoảng 5cm) trong 5-10 phút, sau đó “xi…” bé.
  • Nếu sau khi đã thực hiện các biện pháp trên mà tình trạng bón của bé không cải thiện, bạn nên đưa bé đi bác sĩ để được khám và chỉ định thuốc nếu cần.

Ths. Trần Thanh Thỏa

Bạn không nên bơm đít thường xuyên cho bé vì sẽ dễ làm bé mất phản xạ đi cầu. Việc xoa bụng như bác sĩ Vân nói bạn nên tiến hành vào buổi sáng hoặc sau khi ăn 1 giờ, bổ sung thức ăn nhuận tràng cho bé như: vừng, khoai lang, đu đủ chín. Tăng cường vận động cho bé kiểu đặt bé nằm rồi cử động chân cho bé theo kiểu đạp xe đạp.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về táo bón tại YHCĐ:

  • Khái niệm táo bón
  • Nguyên nhân và cách điều trị táo bón

Câu hỏi 2

Người hỏi: Thuy Trang Nguyen – Ngày hỏi: 16/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Em chào bác ạ. Con em đến nay đã được 17 tháng mà hiện tượng táo bón vẫn không giảm mặc dù em đã làm nhiều biện pháp như cho ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước , tập đi ngoài vào một giờ nhất định cho ăn sữa chua để dễ tiêu hóa mà bé vẫn bón. Có đem đến bác sĩ khám, bác cũng tư vấn như những biện pháp em nêu trên nhưng không đỡ, mong bác tư vấn giùm em với ạ.

Trả lời

Chào em! Em có thể mô tả thêm về tình trạng táo bón của cháu như thế nào? Cháu đi cầu bao nhiêu lần trong ngày, tuần? Tình trạng phân? Xảy ra từ khi nào? Chế độ dinh dưỡng hiện nay như thế nào?

Trao đổi thêm

Dạ, cháu ngày nào cũng đi một lần không có giờ giấc cụ thể, phân cháu màu xanh đen xảy ra từ khi cháu được 3 tháng, chế độ dinh dưỡng một ngày 3 bữa cháo (sáng, trưa, chiều), cách 2 tiếng cháu uống sữa, nhiều khi 3 tiếng cũng có, 1 chén cháo gồm thịt, rau, một muỗng dầu gấc. Dạ mà lâu nay em không cho uống thuốc nữa nên em sợ cháu có bị tắc ruột gì không thôi. Em cám ơn bác

Bác sĩ trả lời

Vâng, nếu cháu đi cầu khó và kéo dài thì táo bón rồi và phân màu xanh đen từ khi 3 tháng tuổi là bất thường em cần cho cháu đi kiểm tra phân nhé! Về chế độ dinh dưỡng cho cháu là rất tốt rồi!

Em có đang bổ sung vitamin gì cho cháu không? Nếu bổ sung nhiều vitamin D cũng gây nên phân cứng! Em tham khảo thêm bài viết Nguyên nhân và cách điều trị táo bón tại YHCĐ.

Em áp dụng các cách trong bài sau 5-7 ngày mà tình trạng không cải thiện thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi nhé!

  • Cần cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín: chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền thái nhỏ nấu canh, luộc rau cho trẻ ăn trước đối với trẻ lớn hoặc khoai lang củ luộc hoặc hấp cho trẻ ăn. Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ rau cho trẻ ăn cả cái đối với trẻ nhỏ.
  • Cho trẻ ăn các loại quả: bưởi, cam, quýt (tốt hơn nếu ăn cả múi), thanh long, chuối tiêu, đu đủ… Khi trẻ đã bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo… Có thể dùng nước cốt khoai lang sống: khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, đem giã nhỏ vắt lấy nước cho trẻ uống.
  • Nếu trẻ ăn sữa bò bị táo bón nên pha sữa loãng hơn bình thường một chút hoặc dùng nước cháo nấu với các loại rau củ pha sữa (cho trẻ từ 5 tháng trở lên). Cho trẻ uống thêm nước rau quả ngày 3-4 lần.
  • Mẹ bị táo bón cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ: ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước. Có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột.
  • Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi nhà vệ sinh quá lâu.

Các trường hợp táo bón do nứt hậu môn: rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch natri bạc 2% (AgNO3 2%). Điều trị các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… nếu có.

Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mới nên sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ như cho trẻ uống dầu Parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sunfate có tác dụng nhuận tràng hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh (Biobaby); Biosyptin, Lactomin, Lactylac, Biofidin… làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

Thụt tháo là biện pháp cuối cùng là dùng nước ấm có pha Glyxerin hoặc mật ong: 30-40ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250 ml đối với trẻ trên một tuổi. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài có thể gây giãn trực tràng và đại tràng sichma tạo thành thói quen nếu không thụt tháo trẻ không tự đi ngoài được.

Những trường hợp sau phải đưa trẻ đến bệnh viện:

  • Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng.
  • Táo bón ảnh hưởng đến sức khoẻ: kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.

Câu hỏi 3

Người hỏi: Lien Kham – Ngày hỏi: 17/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào Bác sĩ! Xin tư vấn giúp.

Cháu bé nhà mình được 3 tuần tuổi bú sữa mẹ. Mấy ngày gần đây cháu hay vặn vẹo mỗi lần đi phân và 2 ngày nay cháu bị táo bón nên quấy suốt. Cháu bị như vậy có sao không Bác sĩ và phải làm sao để cháu bé được đi phân được thông xin Bác sĩ cho lời khuyên. Cảm ơn Bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Cháu 3 tuần bú mẹ hoàn toàn là rất đúng! Cháu đang táo bón có thể nguyên nhân từ chế độ ăn của mẹ.

Chị có thể xem chế độ ăn của mình có đầy đủ chất xơ không hay có nhiều chất nóng như ớt, gừng… Nếu có chị cần thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ giảm chất cay nóng và nên uống nhiều nước.

Ngoài ra chị có thể masage giúp bé dễ đào thải phân như sau: Xoa nhẹ đều từ phần bụng trên bên phải sang phần bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải vòng lại theo hình số 8. Mỗi lần massage chỉ 10 phút và mỗi ngày từ 2 – 3 lần.

Chúc cháu chóng khoẻ!

Câu hỏi 4

Người hỏi: Phạm Ngọc Phương – Ngày hỏi: 5/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức vs Ths. Trần Thanh Thỏa

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, con em được 3,5 tháng bú sữa mẹ và sữa ngoài là friso gold, output 2 ngày 1 lần rất dẻo nhưng bữa nay 4 ngày mới đi phân hơi cứng giống bón và rặn rất lâu, vậy có phải bé thiếu nước không? Vì em không cho con uống nước nhưng mấy bữa nay thời tiết nóng con hay đỗ mồ hôi nữa, nếu uống nước được thì uống như thế nào vì em được biết trước 6 tháng không nên cho bé uống nước, em cám ơn bác sĩ.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị. Chị xem lại xem cháu bú có đủ lượng sữa chưa ? Nhất là tăng cường cho bé bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt. Massage hình vòng cung vùng bụng trên theo chiều kim đồng hồ mỗi khi cháu rặn đi cầu để giúp cháu đi cầu dễ hơn.

Ths. Trần Thanh Thỏa

Con bạn dưới 6 tháng nên việc mẹ cho bé bú sữa ngoài rất dễ gây táo bón. Bạn cố gắng cho bé duy trì sữa mẹ đến 6 tháng, hãy cho con bú bình. Còn một khi đã cho cháu bú bình rồi thì phải bổ sung thêm nước cho cháu. Theo mình bạn nên tạo điều kiện để bé bú sữa mẹ. Bạn có thể tham khảo ở đây: Nguyên nhân và cách điều trị táo bón ở trẻ em

Câu hỏi 5

Người hỏi: Ngọc Quý – Ngày hỏi: 12/6/2015

Tham gia tư vấn: Ths. Trần Thanh Thỏa

Câu hỏi

Các bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Con trai em nay được 7 tháng, nặng 7,2kg, 3 tháng nay cháu chỉ lên được 500g. Khoảng hơn 1 tháng nay, cháu bị táo bón liên tục, lần đầu 6 ngày, mẹ phải can thiệp bằng cách thụt, 2 ngày sau đó cháu đi bình thường, đến lúc 4 ngày mới đi tiếp và nay lại cứ 4-6 ngày mới đi 1 lần.

Trước cháu ăn bột mua sẵn về mẹ pha theo hướng dẫn, còn mấy ngày nay mẹ tự nấu cháo, bổ sung thêm rau, ăn chuối, sữa chua mà cháu vẫn chưa đi cầu.

Bác sĩ tư vấn giúp em nên làm gì để bé dễ tiêu hoá và thực đơn thế nào cho hợp lý để bé phát triển chiều cao, tăng cân nặng của bé. Ngoài ăn cháo ngày 1 lần ra thì bé bú sữa mẹ hoàn toàn.

Em xin cảm ơn!

Trả lời

Khi cháu đi cầu, mẹ có thấy cháu có biểu hiện: đỏ mặt, đau, khóc và phân có máu không? Mùa hè nên ngoài việc: xoa bụng cho cháu, ăn thức ăn có nhiều rau và các thực phẩm nhuận tràng thì mẹ nên cho bé uống nhiều nước nữa nhé! Mẹ nó có thể tham khảo thêm tại bài viết “ Nguyên nhân và cách điều trị táo bón ” tại Y học cộng đồng.

Nói chung là theo mình thì hãy cho bé tập làm quen với thức ăn một cách từ từ và thay vì dùng bột ăn dặm, mẹ nó hãy nấu đồ ăn cho con. Mẹ nó tìm đọc ăn dặm kiểu Nhật để tham khảo về quá trình cho trẻ làm quen với thức ăn. Khi cho bé bú, mẹ nó để ý là cho bú kiệt một bên vú rồi mới chuyển sang bên kía. Vì bé bú mẹ nên mẹ nó bổ sung thêm thực phẩm nhuận tràng trong thức ăn của mẹ: sữa chua, rau xanh, đu đủ chín, bơ, vừng đen… Nếu mẹ nó đã làm đủ biện pháp mà tình hình không cải thiện, bé chậm tăng cân thì nên cho em đi khám ở bác sĩ Nhi bạn nhé, hạn chế thụt vì sẽ làm mất phản xạ của bé. Thay vào đó mẹ cho em “bô” theo giờ trong ngày để tạo thói quen.

Câu hỏi 6

Người hỏi: Ngọc Quý – Ngày hỏi: 19/5/2015

Tham gia tư vấn: BS.Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào các bác sĩ Nhi khoa, các bác tư vấn giúp em với ạ.

Bé trai nhà em nay được 6m10d, lúc sinh được 3kg,3 tháng đầu được 6kg còn tới bây giờ bé mới được 7kg, bé bú sữa mẹ hoàn toàn.Trước đây, có lúc bé 3-4 ngày mới đi cầu, sau này thì đi bình thường ngày 1 lần. Em cho bé ăn dặm bột ngọt Redielac ngày 1-2 lần và nửa hộp váng sữa lúc bé tròn 6m, mấy bữa đầu bé vẫn đi cầu tốt, còn giờ gần 6 ngày rồi bé chưa đi cầu. Bé như vậy là có bình thường không ạ, có cần làm gì để bé đi cầu được không, các bác tư vấn giúp em với và cân nặng của bé như vậy có đạt không ạ.

Em xin cảm ơn nhiều !

Trả lời

Chào chị. Nếu cháu vẫn tăng cân, không nôn, vẫn xì hơi, không quấy khóc nhiều, không có nứt kẽ hậu môn… thông thường nguyên nhân chậm đi cầu trong giai đoạn này là do chế độ ăn không hợp lý!

Chị tham khảo các bài viết về dinh dưỡng để có những thay đổi hợp lý như bổ sung chất xơ, nước…

Ngoài ra một số biện pháp như xoa bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ từ trong rốn ra phía ngoài. Hoặc đặt trẻ nằm ngửa và cầm chân trẻ thực hiện những động tác như trẻ đang đạp xe đạp cũng sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn.

Cuối cùng, cháu đã 6 ngày không đi cầu và chị đã làm mọi cách để cháu đi cầu vẫn không được thì nên cho cháu khám bác sĩ để có hướng can thiệp phù hợp nhé!

Chúc cháu chóng khoẻ!

Câu hỏi 7

Người hỏi: Luong Nguyen  – Ngày hỏi: 19/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Cho e hỏi ạ, em sinh mổ, ít sữa nên em có cho con uống thêm sữa ngoài. Mấy hôm nay, em thấy bé ngày ị chỉ 1 đến 2 lần, có ngày chỉ 1 lần nhưng ị rất nhiều màu vàng không ướt mấy. Mỗi lần khi ị bé hay khóc. Vậy bé nhà em có bị táo không ạ. Bé nhà em được 25 ngày. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Trả lời

Chào chị. Trẻ bú mẹ thì dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng gián tiếp đến tình trạng đi cầu của bé! Chị cần bổ sung thêm chất xơ, xanh và uống nhiều nước trong khẩu phần ăn của chính bản thân chị nhé!

Mặc dù chất xơ không trực tiếp đi vào sữa mẹ nhưng sẽ giúp hệ tiêu hóa của chị hấp thu đủ chất dinh dưỡng để tạo ra sữa mẹ tốt có đủ các chất đóng vai trò như chất xơ, ví dụ đường Oligosaccharides. Do vậy, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn và đủ lượng cần thiết thì sẽ ít gặp tình trạng táo bón hơn các trẻ được nuôi dưỡng với sữa công thức.

Cháu nhà chị không phải táo bón!

Chị tham khảo thêm bài táo bón tại Y học cộng đồng để có thêm thông tin.
Chúc cháu luôn khỏe!

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *