Giãn bể lớn hố sau ở thai nhi

Giãn bể lớn hố sau ở thai nhi

Người hỏi: Hue Thanh – Ngày hỏi: 5/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Xin chào các bác sĩ, chị gái em có câu hỏi muốn nhờ các bác sĩ tư vấn giúp nhưng không biết cách đăng bài nên em làm giúp, rất mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ.

Chị gái em sinh bé gái đến nay được 7 tháng tuổi, bé nặng 7kg. Khi còn thai kỳ, ở tuần thai thứ 32, chị gái em có đi siêu âm và nhận được kết quả thai nhi bị giãn bể lớn hố sau não kích thước 12mm. Sang tuần thứ 33, chị có đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội kiểm tra lại nhưng kết quả là không còn nhìn thấy não thai nhi bị giãn nữa.

Từ khi sinh ra đến nay, bé vẫn ăn ngủ tốt, phát triển vận động bình thường (biết lẫy, ngồi) không bị chậm hơn so với các bé khác cùng độ tuổi, giao tiếp bằng mắt và giao tiếp tình cảm với mẹ và mọi người cũng bình thường, bé cũng khá nhanh nhẹn. Tuy nhiên, chị gái em vẫn không khỏi lo lắng, chị muốn cho bé đi chụp CT, MRI để kiểm tra cho an tâm. Nhưng không biết như vậy có nên không, xin các bác sĩ tư vấn giúp, và bé như vậy liệu có cần thăm khám gì thêm nữa không? Em xin cảm ơn các bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Tuần thai thứ 31-32, đường kính bể lớn hố sau trung bình khoảng 7.2 mm (dao động 5.1-9.6 mm). Trường hợp của cháu 12 mm là giãn nhẹ. Giãn hố sau hay gặp các kiểu hình sau:

  • Túi Blake (Blake’s pouch cyst).
  • Giãn hố sau đơn thuần (Megacisterna magna).
  • Hội chứng Dandy–Walker (Dandy–Walker malformation).
  • Thiểu sản thùy nhộng tiểu não (Vermian hypoplasia).
  • Thiểu sản tiểu não (Cerebellar hypoplasia).

Siêu âm có thể chẩn đoán phân biệt các trường hợp này với độ chính xác 80%. Nếu thêm MRI, có thể đưa ra thêm những thông tin với độ chính xác > 90%. Rất cần thiết để chẩn đoán chính xác kiểu hình vì mỗi trường hợp có một tiên lượng khác nhau hoàn toàn.

  • Túi Blake và giãn hố sau đơn thuần: 30-40% có thể tự thoái lui trong thai kỳ. Ngay cả các trường hợp tồn tại sau khi sinh, tiên lượng cũng khả quan với > 90% sống tốt mà không kèm bất thường khác khác hay chậm phát triển trí tuệ về sau.
  • Riêng hội chứng Dandy–Walker, thiểu sản thùy nhộng hay thiểu sản 1 phần tiểu não, khả năng có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể và chậm phát triển trí tuệ cùng các rối loạn về thăng bằng, vận động về sau lên đến 50%.

Mặc dù mức độ giãn có thể giảm nhưng chỉ sau 1 tuần siêu âm lại không thấy thì có thể có nhầm lẫn!

Từ sau sinh đến nay trẻ vẫn phát triển vận động bình thường như các trẻ khác thì chị có thể an tâm là trẻ khoẻ. Để đảm bảo chắc chắn về chẩn đoán chị nên cho cháu đi khám tổng quát về phát triển trước khi quyết định chụp CT hay MRI.

Chúc cháu luôn khoẻ!

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *