Cỏ ngọt

Mục lục

  • Mô tả
  • Bộ phận dùng
  • Nơi sống và thu hái
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng dược lý
  • Tính vị, tác dụng
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp

Mô tả

  • Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, cao 0,5 – 0,6 m và có khi cao tới 1 m. Thân cứng mọc thẳng, có rãnh dọc và nhiều lông mịn, ít phân nhánh.
  • Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn dài 5 -7 cm, rộng 1 – 1,5 cm, có 3 gân, 4 – 6 đôi răng nhọn ở phần nửa về phía đầu lá, hai mặt có lông trắng mịn, nhấm lá thấy có vị ngọt rất đậm, cuống lá rất ngắn.
  • Hoa lưỡng tính, tụ họp thành đầu màu trắng ở ngọn.
  • Quả bế, không có mào lông, hạt không có nội nhũ.
  • Mùa hoa: tháng 5 – 9

Bộ phận dùng

Lá – Folium Steviae.

Nơi sống và thu hái

Gốc ở Paraguay, được nhập vào nước ta từ năm 1988 trồng thử nghiệm. Hiện nay Cỏ ngọt đã thích ứng với những vùng khí hậu khác nhau của nước ta, sinh trưởng tốt tại Sông Bé, Lâm Ðồng, Ðắc Lắc, Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phú, Yên Bái. Trồng bằng hạt, tách bụi hay giâm cành. Trong một lần có thể thu hoạch trong 5-10 năm. Năng suất hàng năm khoảng 2-4 tấn lá khô trên mỗi hécta (thu hoạch 3-4 đợt).

Thành phần hóa học

Lá chứa các heterosid diterpenic dẫn xuất của phyllocaladen: steviosid (7%), rebaudiosid và dulcosid. Steviosid có độ ngọt gấp 150-280 lần cao hơn saccharose (con số này thay đổi theo từng nơi nghiên cứu) Steviosid khi thủy phân sẽ cho 3 phân tử steviol va isosteviol.

Tác dụng dược lý

Tác dụng hạ đường huyết: thành phần steviosid trong lá cây cỏ ngọt có tác dụng làm đường huyết giảm rõ rệt ở thỏ, chuột cống trắng và bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.

Tác dụng giãn mạch: Steviosid có tác dụng làm giãn tĩnh mạch toàn thân rõ rệt.

Tác dụng trên thận và huyết áp: thành phần steviosid trong lá cây cỏ ngọt có tác dụng làm tăng lưu lượng huyết tương qua thận (RPF), tăng tốc độ lọc cầu thận (GFR), hạ huyết áp, tăng bài niệu và tăng thải trừ natri.

Tác dụng tránh thai: Nghiên cứu của PLANAS (năm 1968) đã thông báo , cho chuột cống trắng cái và đực uống nước có 5% cao cỏ ngọt thấy có tác dụng ngừa thai. Nhưng trong những năm 70, bốn nhóm thực
nghiệm độc lập, không xác nhận tác dụng này.

Tác dụng kháng khuẩn: Cao lá cỏ ngọt có tác dụng đối với Pseudomonas aeruginosa và Proteus vulgaris. Chưa thấy tài liệu công bố về tác dụng trên các vi khuẩn Streptococcus inutans, Lactobacillus plantarum và Lactobacillus casei là những vi khuẩn có liên quan đến quá trình sún răng ở trẻ em, vì hiện nay có dùng steviosid thay thế đường trong chế biến bánh kẹo.

Độc tính cấp: Cho chuột uống steviosid với liều 2g/kg không thấy có chuột chết và cũng không thấy có biểu hiện độc sau 2 tuần theo dõi.

Tính vị, tác dụng

Cỏ ngọt có vị ngọt rất đậm đà, có ích cho người bị bệnh đái đường và người mập phì. Nó không có độc tính trên chuột thí nghiệm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Chữa đái tháo đường: Cỏ ngọt và steviosid có vị ngọt sẽ làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của người bệnh, vì thế sẽ làm giảm đường huyết. Liều dùng theo thử nghiệm ở Braxin là mỗi lần 0,25g steviosid
(hoặc 2,5g lá cỏ ngọt), ngày 4 lần. Uống nhiều ngày.

Chữa béo phì: Cỏ ngọt và steviosid có vị ngọt sẽ làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của cơ thể, nên cũng có tác dụng chữa béo phì. Liều dùng 0,5 – 1g steviosid chia ra 3 – 4 lần trong ngày. Uống nhiều
ngày.

Một số chế phẩm từ Cỏ ngọt như Trà actiso stevia, Trà sâm quy stevia (Sâm khu 5, Tam thất, Ðương quy, Thục địa, Táo, Long nhân, Ngũ gia bì và Cỏ ngọt). Chất steviosid có tiềm năng làm chất dịu vị, trong đó có steviol là chất chống nội tiết tố yếu (điều mà không lấy làm ngạc nhiên khi tính đến chuỗi tricyclic của steviol và liên hệ tới việc các phụ nữ Mỹ dùng cỏ này như thuốc tránh thai).

Cỏ ngọt đã được người dân Paraguay dùng để thay thế đường từ lâu. Từ khi xác định được steviosid. Cỏ ngọt được trồng rộng rãi để lấy chất thay thế đường trong công nghiệp thực phẩm (làm chất điều vị cho bánh mứt kẹo, nước giải khát…) trong công nghiệp dược phẩm (thuốc thay thế đường trong bệnh đái đường và mập phì). Người ta sử dụng bột lá cỏ ngọt khô để làm chất điều vị ngọt cho trà túi lọc, trà thuốc, hoặc chiết xuất tinh thể steviosid dùng cho các nhu cầu trong đời sống.

Bài thuốc có vị cỏ ngọt

Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

  • Chuẩn bị: Lá cỏ ngọt phơi khô 2.5g.
  • Thực hiện: Sắc với 200ml nước còn lại 50ml, thực hiện 2 lần/ ngày trong thời gian dài.

Bài thuốc chữa tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: Lá cỏ ngọt 6g, hoa hòe (sao vàng) 10g, hoa cúc 4g và quyết minh tử (sao cháy) 12g.
  • Thực hiện: Rửa sạch và sắc uống hằng ngày.

 


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *