Trẻ ra nhiều mồ hôi đầu khi ngủ – Câu hỏi thường gặp

Nội dung chính

  • 1 Câu hỏi 1
  • 2 Câu hỏi 2
  • 3 Câu hỏi 3

Câu hỏi 1

Người hỏi: Cuc Hoang – Ngày hỏi: 9/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Bùi Thị Hằng

Câu hỏi

Bé nhà em được 6 tháng 10 ngày. Nặng 7kg, lúc sinh 2.9kg. Biết lật và ngồi, chưa trườn bò, bé chơi, ngủ ngoan. Đang ăn dặm ngày 2 bữa và ti mẹ (không dùng sữa công thức). Bé được phơi nắng ngày 10 phút, nhưng lúc bé chơi, bú, ngủ ra mồ hôi đầu nhiều. Cho em hỏi ra mồ hôi đầu như vậy là sinh lý hay bệnh lý ạ? Có cần bổ sung vitamin D cho bé không ạ?

Trả lời

Cân nặng của bé tốt. Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi của trẻ. Cần khám và làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân. Bạn nên bổ sung thêm vitamin D cho trẻ. Chế độ ăn của mẹ giàu Canxi.

Câu hỏi 2

Người hỏi: Nhung Lê – Ngày hỏi: 8/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức và BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Bác sĩ ơi. Bé mình 9 tháng mà đầu lúc nào cũng có mồ hôi. Ướt hết cả gối ạ. Có phải tắm hay dùng gì cho hết mồ hôi ạ. Nhiều lắm ạ.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị, mồ hôi được tiết ra bởi tuyến mồ hôi, tập trung nhiều dưới da và được điều hòa bởi hệ thần kinh phó giao cảm, có tác dụng điều hòa thân nhiệt, phối hợp với các cơ quan khác tạo hệ thống cân bằng cho cơ thể. Vì trung tâm điều nhiệt của trẻ chưa hoàn thiện, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa hoàn thiện, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, khi nhiệt độ ngoài trời hơi tăng lên trẻ em đã bị nóng, do cơ thể không điều tiết được. Hơn nữa diện tích da đầu của trẻ nhỏ lớn hơn các vùng khác nên ra nhiều mồ hôi đầu là lẽ đương nhiên!

Sau khi ngủ dậy, trẻ ra nhiều mồ hôi. Cha mẹ cần kiểm tra xem, có phải do phòng quá nóng, nhiệt độ môi trường cao, hoặc có thể mẹ sợ bé lạnh, nên quấn quá nhiều tã lót, quần áo. Cháu ra nhiều mồ hôi đầu nhưng vẫn phát triển đúng tiêu chuẩn theo lứa tuổi thì chị không nên lo lắng quá! Trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi trong khi ngủ ngay cả lúc trời lạnh, chị cần cho trẻ đi khám toàn diện để phát hiện nguyên nhân nhé!

Cho đến nay chưa có thuốc nào để hạn chế toát mồ hôi ở trẻ. Vì vậy, tuyệt đối không mua thuốc theo truyền tai nhau. Chỉ dùng biện pháp cơ học tức là dùng khăn lau mồ hôi để tránh trẻ bị ngấm nước vào trong.

Trẻ dưới 5 tuổi, hệ thần kinh điều hòa chưa được tốt nên nhiều gia đình dùng 25-26 độ C là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phụ huynh để điều hòa ở mức nhiệt 28-29 độ C, nửa đêm về sáng cũng cần chú ý. Vì lúc đó nhiệt độ ngoài trời dù nóng thế nào cũng có giảm một chút. Cho nên, có thể tắt điều hòa từ 1-2h sáng trở đi và dùng quạt gió.

Dù để điều hòa nhiệt độ ở mức 28 độ C vẫn cần mặc cho trẻ quần áo dài, không nên mặc quần áo ngắn tay dẫn đến dễ nhiễm lạnh. Để tránh bị khô khi nằm điều hòa, có thể đặt thêm chậu nước bên trong phòng để tạo độ ẩm. Lưu ý không để luồng gió phả thẳng vào trẻ!

Hiện nay, nhiều mẹ chia sẻ nằm Gối đinh lăng giúp ngủ ngon và chống mồ hôi đầu… Các chị đừng nghe theo nhé, khi chọn gối nên chọn chất liệu vỏ gối là vải thô, thoáng mát và thấm mồ hôi. Các loại gối vỏ đỗ cũng là lựa chọn tốt cho trẻ vì không có mùi và giữ vùng đầu gáy trẻ được thoáng khí. Hoàn toàn không nên dùng gối thảo dược vì mùi lá dễ gây kích thích đường hô hấp, làm trẻ khó chịu. Ngoài ra, da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, những loại lá này cũng có thể làm kích ứng da, gây dị ứng cho trẻ!

BS. Nguyễn An Nghĩa

Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức đã tư vấn rất kỹ cho mẹ bé rồi, mình chỉ muốn nói thêm một vài ý kiến.

Mẹ hãy lưu ý cho bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, KHÔNG để bé ngủ sấp, hạn chế nằm nghiêng. Không che mặt bé bằng bất cứ thứ gì. Tuy hiếm, nhưng mình đã gặp một số trường hợp che mặt bé bằng khăn lưới mỏng hoặc mũ, cũng không cần phải đội mũ len cho bé khi ngủ. Trẻ nhỏ điều hòa nhiệt độ cơ thể qua vùng đầu, mặt, nếu che những vùng này bé sẽ tăng nguy cơ sốc nhiệt.

Trong đêm cũng cần để ý vì nhiều lúc mền, gối, đồ chơi phủ mặt bé. Mẹ cũng đừng quá lo lắng khi thấy bé toàn đổ mồ hôi đầu, vì đến 85% nhiệt sẽ mất qua vùng đầu, mặt của bé, đó là một cơ chế bảo vệ cho bé không bị quá tải nhiệt. (đến đây chắc có mẹ sẽ lại hỏi mình lúc ngủ thì cho bé nằm ngửa, ngủ 1 chút thì tự động bé chuyển sang nằm nghiêng, vậy phải làm thế nào? Nếu bé ngủ sấp, mẹ phải nhẹ nhàng chuyển bé về tư thế ngửa vì tư thế sấp ngoài chuyện cản thải nhiệt còn gây tăng nguy cơ đột tử. Nếu bé ngủ ở tư thế nghiêng và vẫn thoải mái, vậy thì mẹ cứ để bé ngủ tiếp ở tư thế nghiêng, mặc dù bé sẽ thải nhiệt kém hơn ở tư thế này nhưng sự thoải mái cho bé quan trọng hơn).

Không nhất thiết phải theo dõi nhiệt độ phòng quá chi tiết, điều quan trọng nhất chính là SỰ THOẢI MÁI cho bé. Sẽ rất khó để tư vấn bé cần đắp bao nhiêu cái chăn, mặc ấm hay không mặc ấm vì điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố chẳng hạn như tính chất vùng miền (ví dụ trong miền Nam nhiệt đó nóng quanh năm, thường thì bé ngủ chỉ cần mặc đồ mỏng, nằm thoáng; hay ở miền Bắc, có những lúc khá lạnh, bé cần mặc ấm hơn), phụ thuộc vào bản thân từng bé. Mặt khác, nếu để ý một chút thì mẹ cũng sẽ thấy là hiếm khi nào bé chịu nằm yên trong chăn qua suốt đêm (nhiều bé mới thiu thiu ngủ là đạp chăn đi tứ tung rồi). Vì vậy, mẹ hãy dựa trên sự thoải mái cho bé để điều chỉnh, để ý nhiều hơn 1 chút ngoài chuyện đổ mồ hôi đầu, chẳng hạn như bé ngủ có tròn giấc không? Đang ngủ đêm lại thức khóc hoài không thể dỗ? bé tăng cân và chiều cao tốt không? Trong ngày bé vui chơi thế nào? Nếu có những biểu hiện bất thường khác kèm theo thì mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ.

Về chuyện dùng máy lạnh hay dùng quạt? Nếu máy lạnh thì bao nhiêu độ? Nếu quạt thì dùng thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, một lần nữa mẹ hãy chú ý đến SỰ THOẢI MÁI cho bé. Dùng máy lạnh, có bé để 23 độ C và ngủ rất ngon, vậy thì mẹ có thể giữ mức 23 độ C, nếu 26 độ C bé ngủ ngon, vậy thì hãy giữ mức 26oC. Cần tránh luồng gió trực tiếp từ máy lạnh/quạt. Nếu nhà không có máy lạnh, bạn có thể dùng quạt cho bé. Đừng cho quạt quạt thẳng vào bé.

Một cách cũng khá hay để kiểm tra nhiệt độ bé là mẹ có thể áp nhẹ tay lên lồng ngực bé xem có ấm không. Mẹ không cần phải lo lắng nếu sờ thấy tay chân lạnh nhưng ngực ấm và bé vẫn ngủ ngon.

Một điểm nữa là tuyệt đối không dùng mền điện, chai nước nóng để giữ nhiệt cho trẻ nhỏ.

Câu hỏi 3

Người hỏi: Bullion Hanu – Ngày hỏi: 17/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Bé nhà em 4 tháng 16 ngày rồi và từ khi sinh đến giờ da đầu bé luôn nóng hầm hập mùa đông cũng như mùa hè. Chân tay ra mồ hôi với chân lạnh. Cho em hỏi như vậy là bị sao ạ?

Trả lời

Chào chị, chị cho biết thêm tình hình dinh dưỡng của cháu? Bú ngày bao nhiêu ml sữa mẹ/sữa thay thế? Số lần bú? Cân nặng lúc sinh? Cân nặng hiện tại? Các bệnh lý kèm theo?

Trao đổi thêm

Ngày cháu bú chỉ tầm 400-500ml cả sữa mẹ với sữa công thức vì em không đủ sữa. Lúc sinh cháu nặng 3kg, bây giờ được 6.8kg. Không có bệnh gì cả. Hôm thứ 7 chân bị nổi ban, em tắm nước dừa cho cháu khỏi rồi ạ.

BS. Trả lời

Bé bị lạnh chân tay và đổ mồ hôi nhiều có thể là dấu hiệu bé thiếu Canxi. Chị có thể cho bé tắm nắng buổi sáng trước 9h, bổ sung Vitamin D3 200-400UI/ ngày.

Nếu bé bị đổ mồi hôi nhiều ở vùng lưng và đầu bạn cần chú ý lau mồ hôi thường xuyên tránh để mồ hôi thấm vào người về lâu bé sẽ bị ốm.

Lưu ý giữ ấm chân tay cho bé bằng các cách sau: cho bé ngủ phòng có diện tích hẹp, mùa đông kín cửa không để gió lùa, có quạt sưởi những ngày thời tiết dưới 17 độ C, cho quạt sưởi phòng khoảng 10 phút trước kho cho bé ngủ. Không bịt kín chân tay, vì nếu bọc nóng quá, vải không thấm mồ hôi lúc đó mồ hôi ngấm ngược trở lại chân tay bé, khiến cho khu vực này càng bị nhiễm lạnh nhiều hơn.

Trao đổi thêm

Vâng em cám ơn. Thế còn việc da đầu nóng thì sao ạ? Bé không ra mồ hôi ở đầu mà chỉ ở gáy khi nào nóng thôi bác sĩ ạ.

BS. Trả lời

Da đầu của trẻ có diện tích lớn hơn các vùng khác nên nhiệt toả ra nhiều hơn làm bạn cảm giác đầu cháu nóng hơn các vùng khác! Đấy là hiện tượng bình thường hay gặp ở trẻ nhất là trẻ hiếu động! Nếu cháu vẫn phát triển bình thường theo chuẩn, đo nhiệt độ không xác định sốt thì chị yên tâm là trẻ khoẻ.

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *