Dinh dưỡng ở trẻ em (phần 1) – Câu hỏi thường gặp

Nội dung chính

  • 1 Câu hỏi 1
  • 2 Câu hỏi 2
  • 3 Câu hỏi 3
  • 4 Câu hỏi 4
  • 5 Câu hỏi 5
  • 6 Câu hỏi 6
  • 7 Câu hỏi 7
  • 8 Câu hỏi 8
  • 9 Câu hỏi 9
  • 10 Câu hỏi 10

Trước khi đi vào từng câu hỏi các bạn nên đọc qua những tài liệu sau:

  • Dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 12 tháng.
  • Hướng dẫn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
  • Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng.
  • Ăn dặm ở Nhật Bản.

Bài viết giải đáp các thắc mắc liên quan đến dinh dưỡng trẻ em:

  • Số lượng bữa ăn cho bé theo tháng?
  • Lượng muối có thể cung cấp cho bé theo từng tháng?
  • Bé có nhất thiết phải uống sữa công thức để tăng cân khi đang bú sữa mẹ?
  • Làm sao để biết bé có bị còi xương không?
  • Quá trình phát triển của bé qua từng giai đoạn?
  • Chế độ ăn ngủ của bé thế nào là hợp lý?
  • Có cần thiết phải cho bé bú đêm?
  • Cách thức bổ sung váng sữa cho bé như thế nào là hợp lý?
  • Làm sao để biết bé có bị suy dinh dưỡng hay không?
  • Có cần bổ sung men vi sinh cho con để tăng sức đề kháng cho con ở hệ tiêu hóa?
  • Nên bổ sung Canxi cho trẻ như thế nào?
  • Bé tăng cân như thế nào là đạt chuẩn?
  • Khi nào trẻ có thể bắt đầu ăn sữa chua?
  • Lịch ăn của bé thế nào là phù hợp?
  • Có nên tự ý cho bé bổ sung Canxi dạng uống?
  • Làm sao để biết lượng sữa bé bú bao nhiêu là đủ?
  • Nên cho bé uống nước cam và sữa vào khoảng thời gian nào là thích hợp?

Câu hỏi 1

Người hỏi: Vu Minh Thu – Ngày hỏi: 4/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sỹ cho em hỏi, con em được 8 tháng thì nên cho ăn 3 bữa bột được chưa ạ? Hiện tại em cho cháu ăn 2 bữa (trưa và tối), cộng với uống sữa công thức khoảng 700ml/ ngày.

Trả lời

Chị theo dõi cân nặng và chiều cao của cháu để đánh giá phát triển bình thường của cháu!

Chị có thể tham khảo cách ăn dặm ở Nhật như sau:

Ăn dặm ở Nhật Bản về cơ bản chia ra làm 4 giai đoạn sau:

1. Giai đoạn 5~6 tháng tuổi: Giai đoạn tập nuốt

Đây là giai đoạn bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Tùy theo sự phát triển của từng trẻ mà có thể bắt đầu sớm hay muộn, lượng ít hay nhiều. Lúc đầu, ngày cho ăn một bữa với 1 thìa nhỏ (độ 5ml) cháo nghiền loãng, sau nâng dần tới 2 bữa, mỗi bữa hai thìa nhỏ: một thìa cháo, một thìa rau củ nghiền pha loãng, sau có thể tăng lên vài thìa cháo, một thìa rau và một thìa thức ăn mềm. Tất cả đều ở dạng dung dịch loãng và đặc biệt là không nêm gia vị. Thực phẩm sử dụng ở giai đoạn này chủ yếu là: Chất bột: gạo, bánh mỳ, tinh bột, khoai tây, khoai lang. Rau quả: cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà chua. Hoa quả các loại. Chất đạm: Chủ yếu là cá trắng (cá thờn bơn, cá tráp trắng…), đậu phụ.

2. Giai đoạn 7~8 tháng tuổi: Giai đoạn nhai trệu trạo

Giai đoạn này cho ăn 2 bữa mỗi ngày vào bữa sáng và bữa tối. Lượng thức ăn và độ cứng cũng tăng lên. Mỗi bữa có thể cho trẻ ăn khoảng 50g cháo, hoa quả và rau: 20g, thức ăn 30g. Thực phẩm cũng tương tự như trong giai đoạn một. Chỉ khác là cháo và các thức ăn nghiền khác đặc hơn một chút (dạng sột sệt giống như sữa chua). Các loại thực phẩm tương tự như giai đoạn 1 và có thể cho ăn thêm lòng đỏ trứng, pho mát đã chế biến, thịt lườn gà, cá ngừ (cả cá ngừ đóng hộp), cá hồi, sữa tươi.

3. Giai đoạn 9~11 tháng tuổi: Giai đoạn tập nhai

Thời kỳ này có thể cho ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối. Lượng thức ăn: tinh bột: 90g, rau, quả: 30gr, chất đạm 40~45g. Cháo không cần nghiền nát nữa mà có thể để nguyên hạt gạo, đặc hơn dạng sột sệt một chút. Thức ăn có thể không cần nghiền nữa mà để nguyên hình dạng nhưng phải cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm. Hầu hết có thể cho ăn các loại thực phẩm, trừ những loại quá cứng hoặc khó tiêu (đậu phụ rán, thịt bò, thịt lợn quá nhiều mỡ…), mật ong, các loại nước sốt bán sẵn, các loại hạt nêm… Có thể cho ăn gia vị như muối, xì-dầu, tuy nhiên vị thật nhạt.

4. Giai đoạn 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi: Giai đoạn nhai khỏe (ăn sam)

Thời kỳ này có thể ăn một ngày 3 buổi, kèm theo hai bữa ăn quà. Có thể ăn cơm nhão, thức ăn có thể thái miếng dày hơn, to hơn.

Có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm, trừ những loại nhiều dầu mỡ, thức ăn sống hoặc khó nhai, khó tiêu. Không cần uống sữa bột nữa mà chuyển sang sữa tươi thông thường.

Chị có thể tham khảo thêm thông tin bài viết “Ăn dặm ở Nhật Bản” tại Y học cộng đồng.

Câu hỏi 2

Người hỏi: Giang Phan – Ngày hỏi: 8/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ Nhi khoa ơi, cho em hỏi 18 tháng nêm bao nhiêu lượng muối/ngày. Em xem trên mạng họ nói nêm 2g/ngày, làm sao đong được? Mong bác sĩ trả lời.

Trả lời

Đúng như chị đã tham khảo trên mạng: lượng muối cho trẻ từ 1-3 tuổi là tối đa 2g/ngày. Muối có nhiều trong sản phẩm hàng ngày ví dụ như bánh mỳ, các loại bánh… Do vậy chị nên xem thành phần dinh dưỡng trước khi bổ sung cho cháu!

Thông thường các sản phẩm sẽ ghi chú với Natri nên để quy đổi ra lượng muối thì chị nhân với 2.5. Ví dụ, trong thành phần bánh quy có 1g Natri/100g thì tương đương 2.5g muối/100g.

Trong khi nấu ăn để đảm bảo chính xác chị có thể sử dụng cân điện tử!

Câu hỏi 3

Người hỏi: Đoàn Thị Hoàn – Ngày hỏi: 21/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Bé nhà em nay được 3 tháng 25 ngày. Bé ăn sữa mẹ hoàn toàn. Lúc sinh bé được 3kg, hiện tại bé được 5.8kg, mỗi tháng tăng từ 500-800g thôi. Nay em đang băn khoăn không biết có nên cho bé ăn thêm sữa công thức không. Em muốn tham khảo ý kiếm của bác sĩ xem sao.

Trả lời

Cháu tăng cân bình thường, chị tiếp tục chế độ bú mẹ!

Chị tham khảo thêm “Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng” tại Y học cộng đồng.

Câu hỏi 4

Người hỏi: Thanh Lí – Ngày hỏi: 28/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ ạ, bé em được 3 tháng 24 ngày, lúc sinh được 3kg, khoảng 1, 2 thág trước phát hiện bé mọc tóc hình vành khăn và mỗi tháng bé tăng mỗi lần được 7-9 lạng. Mà tháng này bé chỉ tăng có 4 lạng, bé vẫn sinh hoạt bình thường, tối cách 2, 3 tiếng thì bé dậy đòi bú rồi ngủ tiếp. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có gọi là bị bệnh còi xương không ạ. Nếu bị thì cách nào chữa vậy ạ.

Trả lời

Chào chị, cháu hiện cân nặng và chiều cao bao nhiêu? Chỉ với dấu hiệu tóc hình vành khăn không đủ để đánh giá trẻ còi xương hay không.

Mặc dù mỗi trẻ tốc độ và có mức phát triển khác nhau, nhưng tổng thể trong năm đầu đời:

  • Từ khi sinh đến 6 tháng tuổi: 1 bé phát triển chiều cao khoảng 1.5 – 2.5 centimet/tháng và tăng khoảng 140 – 200 gr/tuần.
  • Lúc trẻ 5 tháng tuổi, thông thường cân nặng tăng gấp đôi cân nặng lúc sinh. Ví dụ, khi sinh cháu 3 kg thì lúc 5 tháng cháu đạt 6 kg.
  • Từ 6 tháng đên 12 tháng, trẻ cao thêm khoảng 1 cm/tháng; và tăng 85-140 gr/tuần. Đến 12 tháng thường cân nặng của trẻ gấp 3 lần cân nặng lúc sinh. Ví dụ, trẻ khi sinh 3 kg thì đến 12 tháng đạt 9 kg.

Chị nên theo dõi cân nặng và chiều cao của bé hàng tháng để biết tình trạng sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng của bé.

Trao đổi thêm

Bé bây giờ được 6kg thôi ạ. Dạ tháng thứ 1 và 2 thì bé tăng tầm 7-9 lạng mỗi tháng. Nhưng đến tháng thứ 3 thì chỉ tăng được có 4 lạng thôi ạ.

BS. Trả lời

Cháu sinh ra là 3kg bây giờ gần 4 tháng đạt 6kg là tăng cân tốt. Ngoài ra, nếu cháu đã biết lật, cười với mẹ, nhận biết bố mẹ thì chứng tỏ cháu đang phát triển bình thường. Chị tham khảo thêm cách nuôi dưỡng trẻ trên website yhoccongdong.com. Nếu trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tiếp thì cần đi khám sức khỏe cho cháu. Thân mến!

Câu hỏi 5

Người hỏi: Huỳnh Thị Nam Hải – Ngày hỏi: 1/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, bé nhà em được 6 tháng, cân nặng 7.5kg (lúc sinh 3.2kg). Em bắt đầu cho bé tập ăn dặm được 2 tuần. Mỗi ngày bé ăn 1 lần vào giữa 2 cử sữa sáng và trưa (tầm 10h). Mỗi lần ăn được 2-3 thìa bột ngọt. Ngoài ra, mỗi ngày bé bú khoảng 700ml sữa. Đêm bé ngủ từ 19h30 đến 5h sáng. Ngày ngủ thêm được khoảng 2h. Tuy nhiên, tháng này bé lại không tăng cân. Xin bác sĩ tư vấn giúp việc phát triển của bé có vấn đề gì không? Chế độ ăn và ngủ của bé như vậy có hợp lý chưa? Mẹ cần làm gì để cải thiện tình trạng trên ạ? Xin cám ơn bác sĩ!

Trả lời

Chào chị, hiện cân nặng và giấc ngủ của bé là bình thường của trẻ khoẻ.

Trong giai đoạn này chị tiếp tục cho trẻ bú mẹ, lượng sữa mẹ hay sữa công thức từ 700-900 ml và ăn dặm (xem thêm bài Ăn dặm).

Nếu cháu bú mẹ thì chị tiếp tục bổ sung cho chính chị những vitamin như Vitamin D, Vitamin B1-6-12, Canxi, Kẽm, Sắt… Nếu trẻ bú sữa công thức thì chọn sữa có bổ sung Sắt. Nếu lượng sữa trẻ nhận dưới 500ml thì cần bổ sung 400UI Vitamin D hằng ngày.

Giai đoạn tập ăn dặm trẻ có thể chậm tăng cân vì trẻ cần thời gian thích nghi với thức ăn mới. Ngoài ra, nếu trẻ vẫn linh hoạt, đã biết lật, giao tiếp bằng mắt, cười, nhận biết, bố mẹ .. (xem thêm bài “Chăm sóc trẻ khoẻ giai đoạn 6 tháng tuổi“) thì chứng tỏ trẻ phát triển bình thường.

Với chế độ ăn như hiện tại của cháu là đảm bảo cho nhu cầu hàng ngày của bé!

Về giấc ngủ thì trẻ 6 tháng tuổi, cấu trúc bộ não đang dần hoàn thiện để có thể giúp trẻ ngủ xuyên đêm không thức. Ngủ suốt đêm không có nghĩa là trẻ không có những cơn thức giấc, trẻ đang tập tự đưa mình rơi vào giấc ngủ trở lại nên có thể sẽ khóc hoặc cần sự hỗ trợ từ bố mẹ như dỗ trẻ ngủ hay cho ngậm vú… Thời gian ngủ của trẻ 6 tháng khoảng 14h với 10-11h ngủ đêm và 2-3 cơn ngủ ngày từ 1-2h/cơn. Cơn ngủ ngày sớm thường từ 9:30 kéo dài 1h. Cơn buổi trưa lúc 2:00 kéo dài 1-2h. Cơn buổi chiều có thể trong khoảng thời gian từ 3:00 đến 5:00 và thời gian ngủ ngắn. Hiện tại cháu ngủ như vậy là đảm bảo nhu cầu.

Chị tiếp tục chế độ nuôi dưỡng hiện tại và tham khảo thêm các bài viết về nuôi dưỡng trẻ trên website yhocccongdong.com.

Chúc cháu luôn khoẻ!

Trao đổi thêm

Dạ, cám ơn bác sĩ nhiều. Xin bác sĩ tư vấn thêm vấn đề nữa là hiện nay, bé đã biết lật và trườn giỏi, chơi đùa vui vẻ cả ngày, biết mừng ba mẹ. Nhưng vì bé ham chơi nên ngày bú ít. Mặc dù bé ngủ thẳng giấc suốt đêm, nhưng mẹ sợ bé bú không đủ lượng sữa nên phải cho bé bú thêm vào ban đêm. Mẹ có đọc tài liệu nói rằng nếu bé ngủ thẳng giấc thì không cần cho bú đêm. Nhưng như vậy có sợ không đủ dinh dưỡng không bác sĩ vì ban ngày bé chỉ bú được khoảng 400ml sữa, còn lại đêm bú thêm 300ml nữa. Xin cám ơn bác sĩ!

BS. Trả lời

Năng lượng trẻ 6 tháng nhận ban đêm không giúp gì nhiều cho sự phát triển của trẻ nên chị không cần thức cháu dậy để dặm sữa. Nếu trẻ đã quen với dặm sữa ban đêm thì chị cần giảm dần rồi ngưng. Ví dụ, nếu trẻ bú mẹ thì chỉ cho bú 1 bên bầu vú, nếu bú bình thì thay thế sữa bằng nước sạch. Ban ngày chị có thể tăng lượng sữa hoặc lượng thức ăn dặm. Nếu lượng sữa trẻ nhận dưới 500ml thì cần bổ sung 400UI Vitamin D hằng ngày.

Câu hỏi 6

Người hỏi: Huệ Bùi – Ngày hỏi: 2/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Xin chào các bác sĩ! Con em 6 tháng 20 ngày, nặng 6.8kg, 68.5 cm. Lúc sinh 3.2kg, 1 tháng 4.2kg, 2 tháng 5.2kg, 3 tháng 6.2kg, 4 tháng 6.2kg, 4.5 tháng 6.4kg, 5.5 tháng 6.7kg, 6.5 tháng 7kg, 6 tháng 20 ngày 6.8kg.

Hiện tại, em đã cho con ăn dặm bột mặn và váng sữa cụ thể như sau: ngày 1/2 hộp váng sữa Montee (khoảng 20gr), chia 2 bữa (9h30 và 15h); ngày 2 bữa bột mặn, mỗi bữa bé ăn được 1/4 – 1/5 bát ăn cơm (10h30 và 18h). Còn lại bé bú mẹ hoàn toàn. Em không cố định thời gian cho con bú mà để tùy theo nhu cầu của con. Khoảng 20 phút con lại ti, khi nào no con tự nhả ra.

Ngày bé chỉ thức được 2-3 tiếng là bé lại buồn ngủ, mỗi lần ngủ được 30 phút – 2 tiếng. Đêm bé ngủ từ 21h – 6h30, cứ khoảng 1-1,5h bé lại bú, xong bé lại lăn ra ngủ tiếp. Bé nhà em đã mọc được 4 chiếc răng, 2 chiếc nữa đang sắp mọc (vì em thấy trắng ở chân răng hàm trên).

Em tham khảo chuẩn chiều cao và cân nặng của trẻ theo chuẩn của WHO thì thấy bé nhà em hơi nhẹ cân. Các bác sĩ cho em hỏi con em như vậy có nguy cơ bị còi quá không ạ? Vì con đầu lòng nên em cũng lo, ông bà thấy cháu nhẹ cân nên cứ xót ruột. Con em thì từ lúc trong bụng em đến giờ cứ nghịch luôn chân luôn tay mà mãi vẫn chẳng thấy tăng cân mấy. Mong các bác sĩ cho em lời khuyên với ạ! Em chân thành cảm ơn!

Trả lời

Chào em. Trước tiên qua cách em ghi chú lại cân nặng của cháu cho thấy em rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng ở trẻ! Bé khi sinh ra 3.2 kg, tăng 1kg trong tháng đầu tiên và tăng gấp đôi cân nặng khi trẻ 5-6 tháng chứng tỏ trẻ phát triển đúng cân nặng chuẩn! Một nghiên cứu ở Anh cho kết luận trẻ phát triển hơn 40% cân nặng khi sinh trong 4 tuần đầu thì có số IQ cao hơn 1.5l trẻ không tăng cân đủ trong tháng đầu!

Thông thường, trẻ dưới 6 tháng, mức tăng trung bình một tháng ít nhất 600 gram hoặc 125 gram mỗi tuần. Lớn hơn 6 tháng tuổi, bé tăng trung bình 500 gram/tháng. Từ 1 tuổi đến 2 tuổi tăng trung bình 2kg/năm. Sau 2 năm tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 2kg cho đến tuổi dậy thì.

Sau giai đoạn 5-6 tháng, em đang cho cháu tập ăn dặm thì lúc này việc tăng cân sẽ chậm lại vì trẻ cần có thời gian thích nghi với thức ăn mới!

Trường hợp em theo dõi cân nặng của cháu trong 3 tháng liên tiếp nếu cháu không tăng cân thì cần được đánh giá lại vấn đề dinh dưỡng và sức khoẻ bởi bác sĩ chuyên khoa nhi.

Thông tin cho em thêm về váng sữa như sau:

Váng sữa có thành phần chính là chất béo, chất đạm, Canxi. Còn các vitamin và khoáng chất như A, E, B2, B12, C, PP, Biotin, Beta – Carotene…, các axit hữu cơ, Canxi cho đến Clo, Phospho, Magiê, Natri, Sắt, Kẽm, Iode, Đồng… nếu có cũng chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể trong thành phần của váng sữa mà nằm lại trong phần sữa đã tách kem. Do đó, váng sữa chỉ giàu chất béo nhưng nghèo khoáng chất, chỉ nên dùng như một thực phẩm bổ sung năng lượng cho trẻ, không được dùng thay thế sữa công thức và sữa mẹ.

Cũng cần nói thêm rằng, loại váng sữa nguyên chất có hàm lượng chất béo quá cao cũng không phù hợp cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu dùng thì cần chế biến bổ sung thêm các nguyên liệu khác để bé dễ tiêu hóa.

Ngay cả với các loại chế phẩm làm từ váng sữa với hàm lượng béo từ 7-15% cũng chỉ nên dùng cho trẻ sau 1 tuổi để tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Nếu cho trẻ sau 1 tuổi ăn, vẫn cần theo dõi mức độ hấp thu của trẻ, chỉ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là khoảng 1 hộp/ngày hoặc cách nhật.

Những trẻ không nên dùng váng sữa: trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị thừa cân béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò…

Trong giai đoạn này em tiếp tục cho trẻ bú mẹ, lượng sữa mẹ hay sữa công thức từ 700-900 ml và ăn dặm. Nếu cháu bú mẹ thì em tiếp tục bổ sung cho em những vitamin như vitamin D, vitamin B1-6-12, Canxi, Kẽm, Sắt…Nếu trẻ bú sữa công thức thì chọn sữa có bổ sung Sắt. Nếu lượng sữa trẻ nhận dưới 500ml thì cần bổ sung 400UI vitamin D hằng ngày.

Nếu trẻ vẫn linh hoạt, đã biết lật, giao tiếp bằng mắt, cười, nhận biết, bố mẹ… (xem thêm bài “Chăm sóc trẻ khoẻ giai đoạn 6 tháng tuổi“) thì chứng tỏ trẻ phát triển bình thường!

Về giấc ngủ thì trẻ 6 tháng tuổi, cấu trúc bộ não đang dần hoàn thiện để có thể giúp trẻ ngủ xuyên đêm không thức. Ngủ suốt đêm không có nghĩa là trẻ không có những cơn thức giấc, trẻ đang tập tự đưa mình rơi trở lại giấc ngủ nên có thể sẽ khóc hoặc cần sự hỗ trợ từ bố mẹ như dỗ trẻ ngủ hay cho ngậm vú…Thời gian ngủ của trẻ 6 tháng khoảng 14h với 10-11h ngủ đêm và 2-3 cơn ngủ ngày từ 1-2h/cơn. Cơn ngủ ngày sớm thường từ 9:30 kéo dài 1h. Cơn buổi trưa lúc 2:00 kéo dài 1-2h. Cơn buổi chiều có thể trong khoảng thời gian từ 3:00 đến 5:00 và thời gian ngủ ngắn. Hiện tại cháu ngủ như vậy là đảm bảo nhu cầu.

Để giúp nuôi dưỡng hợp lý hơn, em nên tìm đọc lại các bài về dinh dưỡng tại dự án “Dinh dưỡng trẻ em“.

Chúc em nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và kiên nhẫn nuôi dưỡng bé.

Chị có thể tham khảo thêm các bài viết:

  1. Các vitamin.
  2. Thành phần dinh dưỡng và chức năng hoạt động.

Câu hỏi 7

Người hỏi: Thúy Sơn – Ngày hỏi: 2/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Con em được 3 tháng 10 ngày. Cháu sinh 37 tuần, nặng 2.4kg. Vì còn nhỏ nên cháu không mút ti mẹ, em phải hút ra bình cho bú lâu thành quen, bây giờ nó không ti mẹ. Tháng đầu tăng 1kg, tháng 2 tăng 800g, tháng 3 không tăng lạng nào. Em lo quá, như thế có phải suy dinh dưỡng không ạ? Con vẫn chơi ngoan, bình thường nhưng bú hơi ít.

Trả lời

Chào chị. Chị vui lòng cung cấp thêm một số thông tin:

Quá trình mang thai bé chị đi tái khám có đều không? Có ghi nhận gì bất thường? Bác sĩ có giải thích với chị lý do vì sao bé nhẹ cân khi sinh? Bé sinh thường, sinh mổ, hay sinh có trợ giúp (Bác sĩ dùng dụng cụ hút bé ra)? Chiều dài và vòng đầu lúc sinh?

Hiện tại, bé đã có thể tự nắm một món đồ gì đó ở gần hay chưa? Bé có thể tự quay đầu sang bên khi nghe tiếng mẹ? Nhìn theo khi mẹ đi hay đồ chơi ở gần di chuyển? Chị có thấy bé cười hay ê a khi thức chơi không?

Hiện tại bé bú mỗi ngày được bao nhiêu? Chị chia cử thế nào? Một cữ bú thường mất khoảng bao lâu? Bé đi tiêu và đi tiểu thế nào?

Các cân nặng mà chị cung cấp là dùng cùng một cân hay dùng các cân khác nhau? Chị có thấy bất thường gì khác ngoài chuyện không tăng cân và bú hơi ít hơn bình thường không?

Trao đổi thêm

Em là thai yếu, tiêm nội tiết đến 30 tuần (2 tuần 1 mũi). Em vẫn khám thai định kỳ và thai phát triển tốt, nhưng đến 34 tuần thì con không tăng cân và cạn ối. 35 tuần nhập viện truyền nước đến 37 tuần thì mổ lấy thai. Cân 3 lần là 2 cân ở 2 nơi khác nhau, cháu có hóng chuyện ê a, nhìn theo bố mẹ khi bố mẹ đi, biết đòi mẹ bế. Ngày trung bình ăn được 7-8 cữ, sau khi tiêm 5in1 về lười ăn, mỗi lần ăn được 20-30-40-50ml thôi, cháu vẫn bình thường mỗi việc bú ít và tăng cân chậm thôi bác sĩ ạ.

Con em sinh ra được xét nghiệm 2 lần ở Trung tâm công nghệ BIONET chẩn đoán thuộc bé có khả năng cao về việc Thiếu men G6PD, xin bác sĩ tư vấn về việc ăn uống và kiêng những gì cho con. Cám ơn bác sĩ.

BS. Trả lời

Chào chị, với thông tin mà chị cung cấp thì bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung. Trước hết, chị cần chắc chắn cân nặng mà gần đây chị đo cho bé là chính xác (chứ không phải sai lệch do dùng khác cân), chị có thể thử cân bé lại bằng đúng chiếc cân chị đã dùng trong lần khám trước.

Bé suy dinh dưỡng trong tử cung sẽ dễ bị một số biến chứng hơn các bé bình thường, trong đó có chậm phát triển thần kinh. Nhưng ở thời điểm hiện tại bé có các mốc phát triển tâm thần khá phù hợp lứa tuổi (chị vẫn chưa cung cấp đầy đủ hết những thông tin mà tôi có đề cập nên tôi chưa thể kết luận về các mốc phát triển vận động của bé). Tuy nhiên, về lâu dài chị vẫn sẽ cần theo dõi thêm vì 3 tháng vẫn là một khoảng thời gian khá ngắn để đánh giá đầy đủ.

Tốc độ tăng cân trong 2 tháng đầu của bé là tương đối chấp nhận được, tốc độ tăng cân thế này cũng cho thấy lượng sữa cung cấp cho bé trong thời gian này là tương đối tốt. Thế nhưng, việc đứng cân tháng thứ 3 là điều không bình thường. Việc tiêm vaccine nếu có làm bé khó chịu và giảm bú thì cũng chỉ trong 1 thời gian rất ngắn. Nếu gần đây bé bú chỉ < 50ml/cữ x 8 cữ/ngày thì lượng sữa này là rất thấp so với nhu cầu của bé.

Đầu tiên, chị hãy chú ý điều chỉnh lại tổng lượng sữa cung cấp cho bé trong ngày, một cách tính toán dễ nhất là chị lấy cân nặng của bé x 150ml, ví dụ hiện tại con chị đang có cân nặng 4,2kg thì bé sẽ cần khoảng 4,2 x 150 = 630 ml sữa/ngày, chị có thể chia làm nhiều cữ. Tuy nhiên, không nên cứng nhắc hoàn toàn theo con số này, bé có thể bú nhiều hơn hoặc ít hơn con số này một chút, không sao cả.

Về cách chia cữ, chị sẽ tập chú ý những biểu hiện khi nào bé đòi bú, ví dụ như bé quay đầu và mở miệng về phía bình sữa, hay miệng bé làm động tác nút, hoặc bé cho tay vào miệng nút, lúc này chị sẽ cho bé bú tốt nhất là theo nhu cầu của bé, đừng cố gắng ép quá mức, một số lưu ý nhỏ ở đây là để ý chọn núm vú phù hợp với bé (cứng quá hay mềm quá, tia sữa nhỏ quá hoặc lớn quá đều không tốt, chị có thể thử vài loại để chọn ra núm vú phù hợp với bé), thân và cổ bé nên trên một trục (đầu không nghiêng bên khi bú), đỡ đầu và vai bé cao hơn thân mình. Khi đã có lượng sữa trung bình cho mỗi cữ, chị có thể dễ tính ra số cữ cần thiết trong một ngày cho bé. Hãy cố gắng phân cữ sữa ưu tiên theo nhu cầu của bé.

Bước kế tiếp, chị sẽ theo dõi tăng cân nặng của bé để điều chỉnh tổng lượng sữa phù hợp cho bé kịp thời. (hãy tập trung theo dõi cân nặng trước vì nếu cân nặng tăng tốt, chiều cao đa phần sẽ tăng tốt theo).

Nếu bé vẫn tiếp tục bú ít và không đạt đủ tổng lượng tính toán, chị hãy cho bé đi tái khám.

Chị đã làm rất tốt khi cho bé bú mẹ hoàn toàn, chỉ hơi tiếc là bú qua bình. Chị hãy tiếp tục cho bé được bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng.

Về bệnh G6PD, vì hiện tại bé bú sữa mẹ nên mẹ cũng phải tránh những loại thuốc/thức ăn mà người bị G6PD không được dùng (để tránh những trường hợp các chất này qua sữa vào bé). Các loại thuốc/thức ăn này khá khó nhớ nên trong thời gian đầu, chị nên có một danh sách các thuốc/thức ăn này để mang theo, danh sách này chị có thể hỏi để lấy từ BIONET nếu họ chưa cung cấp cho chị. Chị có thể tham khảo thêm bài “Thiếu men G6PD” tại Y học cộng đồng.

Chị có thể tải hình 2 lần xét nghiệm lên đây được không?

Chúc bé chóng khỏe!

Trao đổi thêm

Hình 2 lần xét nghiệm của bé đay ạ. Bác sĩ xem giúp em.

Lần 1

Thiếu men G6PD

Lần 2

Thiếu men G6PD

BS. Trả lời

Cả hai lần đều làm phết máu khô. Chị nên mang cả hai xét nghiệm đến khám tại cơ sở chuyên Nhi, bé có thể cần làm thêm một xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán.

Câu hỏi 8

Người hỏi: Hanh Nguyen – Ngày hỏi: 17/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ Nhi khoa cho em hỏi, con em đang 3 tháng, có nên bổ sung men vi sinh để tăng sức đề kháng cho con ở hệ tiêu hóa không ạ.

Trả lời

Chào chị! Trẻ đang bú mẹ hoàn toàn thì chị không cần bổ sung men tiêu hóa (enzyme) hay men vi sinh (Probiotic-là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột).

Câu hỏi 9

Người hỏi: Lan Phong Pham – Ngày hỏi: 29/6/2015

Tham gia tư vấn: Ths. Trần Thanh Thảo vs Chị Đào Thị Mỹ Lương

Câu hỏi

Các anh chị cho em hỏi. Con em hơn 8 tháng, trước cháu bú bình sữa mẹ khoảng hơn 600ml/ngày và ăn dặm bột (rất ít, khoảng 1 chén chè), cháu nặng tầm 8 kg. Hai tuần nay cháu bú xong hay bị nôn, rồi cháu sốt phát ban 2 ngày, hiện đã hết sốt, vẫn còn ban đỏ. Từ ngày bị sốt cháu ăn ít, đến nay đã khỏi sốt 4 ngày cháu chỉ bú khoảng 250 ml sữa/ngày, đêm cháu đói đòi ăn nhưng cho bú bình chỉ bú một hơi rồi ngủ, ép thì khóc không chịu.

Cháu hiện rất gầy. Cháu vẫn chơi nhưng yếu nên không hoạt động được nhiều, lúc ngủ hay đòi bế trên tay không đặt được. Cháu chưa mọc răng, chưa biết ngồi, biết trườn. Em xin hỏi lúc chưa ốm theo như trên thì cháu có vấn đề về dinh dưỡng không, khẩu phần ăn cần thay đổi như thế nào. Và hiện tại sao cháu lại kén ăn vậy. Em có đút sữa cho bé bằng thìa, chứ hầu như bé không chịu bú. Cháu chỉ tè ướt 2,3 lần một ngày thì có sao không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em về việc bổ sung Canxi cho cháu.

Cháu sinh 2.8kg tăng cân đều chỉ có điều cháu hơi ngắn và không bú mẹ trực tiếp, em cho cháu bú sữa mẹ vắt ra bằng bình. Em cũng biết cháu có chậm hơn các bé cùng tuổi nên vẫn cố gắng cho con ăn nhiều bữa.

Trả lời

Ths. Trần Thanh Thỏa

Trên thực tế, khi trẻ bị ốm và người rất mệt mỏi, việc cháu chán ăn trong khoảng thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày là chuyện dễ hiểu. Trong thời gian này, mẹ không nên ép bé quá, sẽ làm cháu bị ám ảnh và gây nên việc sợ thức ăn. Nếu không quá bận rộn, mẹ nó nên cho cháu bú sữa. Mẹ tăng cường cho cháu uống nước, chia nhỏ các bữa ăn, phơi nắng và cho tiếp xúc với thiên nhiên trong lành. Về khẩu phần ăn thì mẹ nó để ý chế biến thức ăn theo các phương pháp ăn dặm, không nên dùng bột. Bé 8 tháng mà chưa biết ngồi và quấy khóc thì cũng đáng quan tâm rồi bạn ạ. Lúc này bạn không nên nôn nóng ép cháu ăn. Nếu có điều kiện, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe cho cháu tại bác sĩ.

Đừng tuỳ tiện bổ sung Canxi cho cháu em nhé. Việc cháu bú sữa thì canxi không thiếu đâu, sữa mẹ rất tốt cho con. Việc hấp thụ Canxi còn liên quan đến vitamin D nữa, em cho cháu tắm nắng, tiếp xúc môi trường thông thoáng, rồi cháu sẽ hồi phục. Việc kiểm tra sức khỏe cho cháu là cần thiết để bác sĩ có tư vấn kịp thời cho phát triển của bé. Ngày trước con chị hoàn toàn khỏe mạnh, sau sinh 3 tháng chị vẫn kiểm tra toàn diện, sau 6 tháng chị lại khám tổng quát một lần. Thật ra ở minh hay có câu “cực chẳng đã mới đi bác sĩ” nhưng việc khám thường xuyên khi khỏe thì tốt hơn. Chúc hai mẹ con khỏe, mẹ đừng căng thẳng quá nhé!

Chị Đào Thị Mỹ Lương

Em cho cháu ăn bột ăn liền hay bột tự xay? Bột ăn liền rất nguy hiểm, vì trong đó có chứa nhiều chất phụ gia, không chắc chắn rằng nguyên liệu làm bột còn hạn sử dụng hay hết hạn sử dụng. Tác hại của các chất phụ gia: gây ung thư, biến đổi kiểu gen, các bệnh dị ứng, kiềm chế sự phát triển của cơ thể & tế bào não, cản trở sự trao đổi chất của tế bào…Nếu dùng bột ăn liền thì bỏ đi nhé.

Các bà các mẹ ngày xưa (ở quê hiện nay) toàn tự mang gạo ở nhà, đi nghiền bột cho trẻ. Bé hay nôn sau khi ăn, chứng tỏ hệ tiêu hóa của bé “đang ốm, mệt”, nên cho bé ăn những thứ dễ tiêu hóa, trợ giúp tiêu hóa. Rang vàng gạo lức, đun mềm, chắt lấy nước, bỏ 1 chút muối (1 chút xíu thôi nhé), cho cháu uống lúc hơi âm ấm thay nước. Không nên cho cháu ăn những đồ ăn thức uống lạnh, những thứ này sau khi ăn vào, hệ tiêu hóa phải mất thêm nhiệt lượng để hấm nóng chúng (36 độ C) rồi mới tiêu hóa. Nếu hệ tiêu hóa yếu, không đủ nhiệt lượng hâm nóng thức ăn, dạ dày sẽ “xác nhận” chúng không phải là thức ăn (dị vật hoặc độc tố) và tìm cách đẩy ra ngoài, dẫn đến triệu chứng nôn mửa.

Nấu bột với nước (không dùng dầu ăn hay nước xương thịt… nhé vì những thứ này nặng khó tiêu hóa, hệ tiêu hóa yếu ăn những thứ này chẳng khác gì đem muối rắc vào vết thương), nêm chút xíu muối trắng (không bột nêm nhé, trong bột nêm cũng có chất phụ gia, điều vị, phẩm màu…), nấu hơi loãng 1 chút, cho bé ăn lúc bột hơi âm ấm. Tại sao em không cho con bú trực tiếp mà lại cho vào bình??? Nếu bình sữa, núm vú rửa không kỹ hay còn dính nước tẩy rửa…cũng là 1 yếu tố gây ra rối loạn tiêu hóa. Sữa lấy ra khỏi cơ thể sẽ phân hủy dần dần, nếu bảo quản không tốt dễ bị lên men (ôi thiu).

Câu hỏi 10

Người hỏi: Do Thi Mai Phuong – Ngày hỏi: 5/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Cho em hỏi bé nhà em nay 11 tháng rưỡi, nặng 9kg8 vẫn chưa biết bò, chưa biết đứng liệu bé có bị gì không? Bác sĩ giúp e với. E cám ơn.

Trả lời

Chào chị! Ông bà ta có câu: Ba lật, bảy bò, chín tháng lò dò tập đi!

Cháu 11.5 tháng vẫn chưa biết bò và chưa đứng là chưa đạt chuẩn phát triển bình thường ở trẻ.

Chị cần cho cháu đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi khám và đánh giá tình trạng phát triển để có hướng xử trí thích hợp.

Chúc cháu chóng khỏe!

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *