Món ăn, bài thuốc từ Rau bợ nước

Rau bợ là rau dại mọc khắp nơi trên đất nước ta, tập trung nhiều ở ao, rãnh, mương, hồ và đầm lầy. Rau bợ tuy là rau dại nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Người dân ở một số địa phương miền Bắc thường thu hái rau bợ quanh năm để làm rau sống, nấu canh ăn hằng ngày hoặc phơi khô dùng như trà thuốc có tác dụng giải nhiệt cơ thể, trị ngứa, rôm sảy mùa hè.

Món ăn, bài thuốc từ Rau bợ nước 1

1. Mô tả

  • Cây thảo, cao 15 – 20 cm. Thân bò, mảnh, có nhiều mấu, mỗi mấu mang rễ và 2 lá một, có cuống dài 5 -15 cm. Lá có 4 lá chét, xếp chéo chữ thập, hình tam giác ngược, gốc thuôn hẹp, đầu bằng rộng, mép nguyên, hai mặt nhẵn.
  • Bào tử quả có lông dày, mọc 2 – 3 cái một ở gốc cuống lá, đầu tròn, có răng nhỏ ở gần gốc.
  • Mùa sinh sản : tháng 5-6.

2. Phân bố, sinh thái

Rau bợ nước phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Châu Á, cây có ở hầu hết các nước ở vùng Nam Á, Đông – Nam Á và Trung Quốc.

Ở Việt Nam, rau bợ nước phân bố từ vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi; độ cao phân bố đến 1000m. Cây ưa sáng, sống ở môi trường nước nông, phần thân rễ và rễ ngập trong bùn, lá vượt lên khỏi mặt nước. Thường gặp ở ruộng lúa nước, bờ kênh mương nơi sát mép nước hay ở các vũng lầy.

3. Bài thuốc, món ăn từ rau bợ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trong 100 g rau bợ có 4,6% protid, 1,6% glucid, 0,72% caroten vitamin C và cyclolaudenol. Chính vì những hoạt chất trên nên rau bợ có vai trò rất lớn trong phòng và trị bệnh.

Một số món ăn, bài thuốc từ cây rau bợ đã được ghi nhận như sau:

Bài thuốc 1:

Rau bợ 20 g, lá sen non 30 g, đem nấu canh ăn hằng ngày.

==> Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, mát can thận; có thể giải nhiệt mùa hè, an thần hạ áp, rôm sảy, mày đay, rối loạn chuyển hóa chức năng gan…

Bài thuốc 2: 

Rau bợ và lá bồ công anh non mỗi thứ một nắm to, nấu canh ăn 5 -7 ngày.

==> Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ mủ, sinh cơ; có thể dùng trong các trường hợp: viêm tắc tuyến vú, mụn nhọt, rôm sảy. Ngoài ra, lấy hai vị trên rửa sạch, giã nát đắp lên vùng bị bệnh có tác dụng giảm nhiệt, tiêu sưng, làm vết thương chóng liền miệng.

Lưu ý: Rau bợ là loài mọc sâu trong bùn đất nên khi thu hái chỉ lấy phần thân và lá non, rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng cho bớt vị tanh. Rau bợ có tính hàn nên những người lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng, ăn uống tích trệ, ậm ạch khó tiêu, chân tay lạnh… không nên dùng.

Nguồn: Lương y Chu Văn Tiến 


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *