Ké hoa đào trừ phong, lợi thấp

Ké hoa đào còn có tên là ké hoa đỏ, thổ đỗ trọng, hồng hài nhi, dã mai hoa, dã miên hoa, dã đào hoa… Cây mọc hoang ở nhiều nơi, dùng rễ và toàn cây, thu hái vào mùa hạ và mùa thu để làm thuốc, dùng tươi hoặc sấy khô dùng dần.

Ké hoa đào trừ phong, lợi thấp 1

1. Mô tả cây

  • Cây ké hoa đào là một cây thuốc quý, dạng cây nhỡ cao chừng 1m, có cành mang mang nhiều lông mịn hình sao.
  • Lá gần tròn, đường kính 4-6cm, có khi tới 9cm, gân lá hình chân vịt, mép răng cưa và chia thùy, đầu lá nhọn, phía cuối bằng hay hơi bằng, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro nhạt có nhiều lông, dài hình sao.
  • Hoa có cánh màu hồng, mọc đơn độc hay thành đôi ở kẽ lá, đường kính chừng 1.7cm.
  • Quả hình cầu dẹt, có lông, trên có những gai hình móc, đường kính 7-8mm, hạt có vân dọc và có lông gợn ngắn.
  • Mùa hoa: tháng 6-10.

2. Công dụng

Theo Đông y:

  • Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, vào 2 kinh phế và tỳ, có tác dụng trừ phong, lợi thấp, thanh nhiệt, giải độc.
  • Dùng chữa đau nhức, phong thấp, thủy thũng, tiểu tiện khó, khí hư, tiêu hóa kém, bướu giáp…
  • Dùng ngoài chữa vết thương phần mềm, viêm tuyến vú, rắn cắn.

Theo y học hiện đại:

Theo PGS.TS Quách Ngô Diễm Phương, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu nuôi cấy rễ tơ cây ké hoa đào nhằm thu nhận nguyên liệu sản xuất hoạt chất điều trị tiểu đường týp 2”. Ké hoa đào là một vị thuốc được dùng trong dân gian, có vị hơi ngọt, không độc. Cây thường được người dân dùng rễ và thân chữa lỵ, cảm cúm, đau khớp, hen suyễn, tiêu viêm…

Trong nghiên cứu của mình, nhóm sử dụng hạt ké hoa đào được thu hái ngoài tự nhiên đem nuôi cấy invitro và cho tiến hành xâm nhiễm vi khuẩn A.rhizogenes để cảm ứng tạo rễ tơ. Rễ tơ sau đó được nuôi cấy ở 3 môi trường rắn, lỏng lắc và lỏng tĩnh.

  • Kết quả, sau 30 ngày, rễ tơ tăng sinh và phát triển tốt nhất ở điều kiện môi trường lỏng lắc với vận tốc 80 vòng/phút.
  • Đồng thời, nhóm đưa ra được quy trình nuôi cấy rễ tơ ké hoa đào tối ưu trong điều kiện thủy canh, bao gồm 9 bước: Thu hái; gieo hạt; nuôi cấy vi khuẩn; xâm nhiễm; đồng nuôi cấy; loại vi khuẩn; kiểm tra gene chuyển; nuôi cấy rễ tơ; thu hoạch rễ tơ (sau 10 tuần nuôi cấy).

Qua quá trình thử nghiệm, nhóm cũng đã xác định được những hoạt chất có trong cao chiết rễ cây ké hoa đào có thể dùng để điều chế thuốc điều trị bệnh tiểu đường týp 2 như saponin, flavinoid, glycoside. Kết quả thử nghiệm trên chuột tiểu đường cho thấy, rễ tơ thủy canh có xâm nhiễm vi khuẩn A.rhizogenes cho hoạt tính ức chế glucosidase in vitro và hạ glucose huyết in vitro cao hơn hẳn so với rễ tơ nuôi cấy in vitro và nuôi trồng tự nhiên có cùng độ tuổi.

3. Bài thuốc có vị Ké hoa đào

Chữa viêm họng: ké hoa đào 40g, củ rẻ quạt 10g, kim ngân hoa 20g, bồ công anh 12g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa phong thấp, viêm khớp, đau nhức xương: rễ ké hoa đào 40-60g, sắc uống.

Chữa lỵ: ké hoa đào 30g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa bạch đới: rễ ké hoa đào 20g, rễ củ gai 20g, bạch đồng nữ 20g, cam thảo dây 10g. Sắc uống.

Chữa viêm thận phù thũng: rễ ké hoa đào 40-60g sắc uống.

Chữa bướu cổ đơn thuần: ké hoa đào 30g, ké đầu ngựa 20g. Sắc uống trong ngày.

Chữa viêm ruột: ké hoa đào 40g, lá ba chẽ 20g. Sắc uống trong ngày. Có thể dùng riêng, toàn cây 40 – 50g, chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.

Chữa tiêu hóa kém: rễ ké hoa đào tươi 60g rửa sạch, giã nát, lọc bỏ bã, uống trong ngày.

Chữa rong kinh, rong huyết: rễ ké hoa đào 40g, mần tưới 20g, chỉ thiên 20g, mã đề 20g. Sắc uống.

Chữa vết thương sưng đau, mụn nhọt mưng mủ: ké hoa đào lượng vừa đủ, giã nát, cho vào miếng gạc sạch, băng đắp vào vết thương.

Chữa rắn cắn: lá ké hoa đào lượng vừa đủ, giã nát, băng đắp tại chỗ .

Chữa viêm tuyến vú: lá ké hoa đào, lá sài đất, lá bồ công anh mỗi vị 30g, tất cả rửa sạch, giã nát, đắp tại chỗ.

Bạn đọc xem thêm: Ké hoa đào

DS. Mai Thu Thủy


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *