Diệp hạ châu đắng – lựa chọn sao cho đúng!

Theo Đông y, diệp hạ châu đắng (Chó đẻ thân xanh) có vị đắng, tính mát, có công dụng tiêu độc, lợi mật, hoạt huyết. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giải độc, bảo vệ gan cho những người uống rượu bia nhiều, làm giảm nguy cơ nhiễm độc gan.

Diệp hạ châu đắng - lựa chọn sao cho đúng! 1

Hình ảnh cây Diệp hạ châu (Phyllanthus niruri L.)

1. Mô tả cây

  • Cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20 – 30 cm, có thể đến 60 – 70 cm. Thân nhẵn, thường có màu xanh. Lá mọc so le, hình bầu dục, xếp xít nhau thành hai dãy như một lá kép hình lông chim, mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới mày xám nhạt, dài 1 – 1,5 cm, rộng 3 – 4 mm; cuống lá rất ngắn.
  • Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn; hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng.
  • Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai; hạt hình 3 cạnh.
  • Mùa hoa: tháng 4 – 6; mùa quả: tháng 7 – 9.

2. Công dụng và liều dùng

Theo kinh nghiệm dân gian:

  • Nhân dân hay dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt. còn có tác dụng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt, rắn cắn. Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống.
  • Cây chó đẻ được dùng để chữa đau viêm họng, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sản hậu ứ huyết đau bụng, trẻ em tưa lưỡi (giã cây tươi, lọc lấy nước cốt bôi), chàm má (giã nát đắp).
  • Ngoài ra còn dùng chữa bệnh gan, sốt, rắn rết cắn, và dùng cây tươi giã đắp hoặc dịch ép cây tươi bôi ngoài, liều lượng không hạn chế.

Theo kinh nghiệm nước ngoài:

Trong y học dân gian Ấn Độ:

  • Người ta dùng cây chó đẻ với những công dụng lợi tiểu rất tốt. Nước ép lá cho vào sữa dùng cho trẻ em làm ăn ngon miệng.
  • Cây diệp hạ châu đắng được coi là thuốc làm săn, khai thông và sát trùng, và được dùng trị khó tiêu, lỵ, phù, bệnh đường niệu – sinh dục, bệnh lậu và đái tháo đường. Lá và quả diệp hạ châu đắng được giã và làm bột nhão với nước sữa, tỏi và hạt tiêu và dùng uống trị vàng da. Dưới dạng thuốc đắp bào chế với nước gạo, diệp hạ châu đắng dùng chữa sưng phù và loét.

Trong y học dân gian nước khác:

  • Ở Tanzania, Cao nước phần trên mặt đất của diệp hạ châu đắng được dùng điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
  • Ở Nigeria, cao nước cây khô trị tiêu chảy. Lá nhai chữa ho dai dẳng và làm giảm đau dạ dày.
  • Ở Bờ Biển Ngà, diệp hạ châu đắng làm đẻ dễ, chữa đau họng, đau gian sườn, đau mình mẩy, sốt và phù. Thường dùng lá dưới dạng thuốc sắc uống trong nhiều bệnh, đặc biệt trong một số bệnh da, vàng da, nôn, bệnh lậu và đánh trống ngực.

3. Phân biệt một số loài thuộc chi Phyllanthus niruri L.

Chi Phyllanthus L. có số lượng loài khá lớn, đa phần có nhiều đặc điểm hình thái khá giống nhau, do vậy đã gây ra nhiều sự nhầm lẫn trong quá trình thu hái. Có 3 cây có hình thái rất giống nhau và thường bị bà con thu hái nhầm.

Diệp hạ châu đắng Phyllanthus niruri L.

  • Toàn thân có màu xanh tươi, cành ngắn, rất ít phân nhánh, phiến lá có màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn cây chó đẻ thân đỏ. Khi nhai có vị đắng nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu đắng.
  • Đây là loài có dược tính mạnh nhất, khi nói về cây chó đẻ hay diệp hạ châu thì mọi người hầu như ám chỉ đến loài này.

Diệp hạ châu ngọt Phyllanthus urinaria L.

  • Thân có màu hanh đỏ và màu thường đậm nơi gốc cành, phân nhánh rất nhiều, phiến lá có màu xanh hơi đậm, dài và dầy hơn cây chó đẻ thân xanh. Khi nhai có vị ngọt nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu ngọt.
  • Khác với điều một số người thường nghĩ, cây chó đẻ thân đỏ vẫn được khai thác trong tự nhiên để làm thuốc nhưng dược tính không mạnh bằng cây chó đẻ thân xanh nên không được sử dụng đại trà.

Một loài diệp hạ châu khác, chữa dõ loài (Phyllanthus sp.)

  • Thân cây có màu xanh đậm, lá rời rạc, phiến lá hẹp và chóp nhọn hơn so với hai loài trên.
  • Loài này không được dùng làm thuốc

Các đặc điểm, sự khác biệt được mô tả cụ thể như sau: 

A: Hình thái lá: 

Phân biệt các loại diệp hạ châu

Đặc điểm hình thái của lá

  1. Cây Diệp hạ châu đắng tác dụng tốt cho gan có lá tù, mỏng màu lục nhạt.
  2. Cây Diệp hạ châu ngọt, phiến là dài, khá dày, màu lục.
  3. Cây Diệp hạ châu khác, đầu phiến lá hơi nhọn, lá rời rạc, màu xanh lục đậm. Đây không phải là cây dùng làm thuốc.

B: Hình thái cây:

Phân biệt các loại diệp hạ châu.

Hình thái cây

  1. Cây Diệp hạ châu đắng, toàn thân màu xanh, rất ít phân nhánh, sau khi nhổ thì lá cũng chỉ khép hờ.
  2. Cây Diệp hạ châu ngọt, gốc màu đỏ đặc trưng, quả đỏ. Thân phân nhiều nhánh ngay từ gốc, lá khép chặt sau khi nhổ giống cây Trinh nữ (mắc cỡ).
  3. Cây Diệp hạ châu khác, thân cũng màu xanh đồng nhất, ít phân nhánh, lá gần như không khép. Nếu nhìn cây khô thì rất khó phân biệt với cây Diệp hạ châu đắng.

Một số hình ảnh phân biệt các loại cây: 

Diệp hạ châu đắng

Hình ảnh: Cây Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus niruri  L.) 

Cây diệp hạ châu ngọt

Hình ảnh: Cây Diệp hạ châu ngọt ( Phyllanthus urinaria L)

Lưu ý: 

Một số cá thể chó đẻ thân đỏ lại hầu như không có màu đỏ (mất đỏ). Những cây như thế này thường xuất hiện vào mùa mưa hay ở những vùng có nhiều nước, có lẽ cây lớn quá nhanh không tích đủ chất sắt hoặc vùng đất nghèo chất sắt.

Trên mạng có rất nhiều hình cây Phyllanthus urinaria L. “mất đỏ” được dùng minh họa cho cây chó đẻ thân xanh Phyllanthus niruri L.. Đây là một lỗi khá phổ biến, bởi vậy chúng ta không nên hoàn toàn dựa vào màu đỏ để phân biệt các loài diệp hạ châu (mà phải dựa vào dạng lá). Khi khai thác cây dược liệu, chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề này để chọn đúng loại cây chó đẻ có dược tính mạnh nhất, tức chó đẻ thân xanh.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *