Bài thuốc hay từ vị Tang diệp

Dâu tằm là loại cây quen thuộc, lá dùng để cho tằm ăn, còn quả thường dùng để ngâm rượu, ngâm siro uống rất ngon. Bên cạnh đó lá dâu tằm còn là vị thuốc Đông y rất phổ biến phòng trị bệnh.

1. Mô tả cây

  • Cây gỗ lớn cao tới 15m, màu nâu hay vàng vàng.
  • Lá mọc so le, phiến xoan dài 5-10 (20)cm rộng 4-8cm, gốc hình tim hay gần như cụt, chóp tù hay hơi nhọn, có thuỳ trên các nhánh tược còn non, có răng, với răng hình tam giác, tù, khía rộng; gân gốc 3, các gân bên đạt tới chiều dài của phiến.
  • Hoa cùng gốc hay khác gốc, các hoa cái thành bông đuôi sóc hơi dài hơn rộng, nhưng không quá 2cm.
  • Quả trắng hay hồng, thuộc dạng quả phức gồm nhiều quả bế bao trong các lá đài đồng trưởng và trở thành mọng nước.
  • Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 6-7.

Bài thuốc hay từ vị Tang diệp 1

Bộ phận dùng:

  • Lá dâu – Folium Mori, thường gọi là Tang diệp.
  • Vỏ dâu – Cortex Mori, thường gọi là Tang bạch bì.
  • Cành dâu – Ramulus Mori, hay Tang chi.
  • Quả Dâu – Fructus Mori, hay Tang thầm.
  • Tổ bọ ngựa cây Dâu – Ootheca Mantidis, hay Tang phiêu tiêu.
  • Tầm gửi cây Dâu – Ramulus Loran thi, hay Tang ký sinh.

2. Thành phần hoá học của lá dâu

Trong lá dâu có các hợp chất gelatin, carotene, tannin, sinh tố C, B1, B2, cholin, adenin, trigonellin; các loại đường fructose, saccharose, glucose; acid folic, purine glutamic, glutathione; các nguyên tố: Cu, Zn, B.

Tính vị, tác dụng:

Lá Dâu (Tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính bình có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt. Người ta nhận thấy lá Dâu có tác dụng trị liệu đái đường lại ức chế trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn.

3. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Lá Dâu non có thể vò ra thái nhỏ nấu canh lẫn với các loại rau khác, có hương vị của rau Dền giúp ăn ngon, ngủ yên. Lá Dâu thường được dùng chữa sốt, cảm mạo do phong nhiệt, ho, viêm họng, đau răng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, đậu lào, phát ban, cao huyết áp, làm cho sáng mắt. Ngày dùng 6-18g, dạng thuốc sắc.

  • Dược điển Trung Quốc có ghi là lá Dâu, vỏ Dâu, cành Dâu, quả Dâu đều có công năng thanh phế nhiệt, trừ phong thấp, bổ gan thận.
  • Người ta dùng vỏ trị phế nhiệt, thổ huyết, thủy thũng; cành trị phong thấp, thấp khớp viêm, đau lưng gối; lá trị phong nhiệt cảm mạo; vỏ rễ trị viêm gan mạn tính, thiếu máu, thần kinh suy nhược và dị ứng.

4. Bài thuốc có tang diệp

Tán nhiệt, giải biểu:

  • Trị cảm mạo phong nhiệt mới phát, miệng khát, rêu lưỡi hơi vàng hoặc ho do phong ôn.
  • Dùng bài: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.

Mát gan, sáng mắt: Trị chứng phong nhiệt ở kinh can, mắt đỏ sưng đau: 

Bài 1: tang diệp 63g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu trước lấy 500ml nước, bỏ bã, hòa tan mang tiêu, rửa mắt khi còn ấm. Trị đau mắt hột, đau mắt, ngứa mắt.

Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống. Trị viêm màng tiếp hợp, mắt đỏ sưng đau.

Mát phổi, dịu ho: Trị ho do phong nhiệt, biểu hiện đờm vàng đặc hoặc ho khan không đờm:

Bài 1 – Thang tang hạnh: tang diệp 8g, hạnh nhân 12g, bối mẫu 8g, đậu xị 4g, chi tử bì 8g, lê bì 8g, sa sâm 8g. Sắc uống. Trị ho khan không đờm do khí hanh mùa thu, đau đầu, phát sốt, lưỡi đỏ.

Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.

Hạ huyết áp:

  • Tang diệp 20g, tang chi 20g, sung úy tử 20g. Các vị cho vào nồi, đổ 1000ml nước, sắc lấy 600ml; ngâm rửa chân 30-40 phút trước khi đi ngủ.

Món trà, món ăn có tang diệp

Bài thuốc hay từ vị Tang diệp 2

Tang cúc đạm trúc ẩm:

  • Tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g.
  • Tất cả hãm với nước sôi, thêm chút đường uống thay trà.
  • Dùng tốt cho người bị sốt, ho khan ít đờm, vã mồ hôi do cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc mắt cấp tính.

Trà tang diệp cúc hoa kỷ tử quyết minh tử:

  • Tang diệp 9g, cúc hoa 9g, kỷ tử 9g, quyết minh tử 6g. Tất cả pha nước sôi uống thay trà.
  • Dùng tốt cho người bị đau đầu hoa mắt chóng mặt.

Trà tang diệp cúc hoa bạc hà cam thảo:

  • Tang diệp 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g, cam thảo 10g.
  • Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi pha hãm uống thay nước trà. Trị cảm mạo phong nhiệt.

Cháo tang diệp cúc hoa:

  • Tang diệp 10g, cúc hoa 12g, đậu xị 10g, gạo tẻ 60g.
  • Các dược liệu nấu sắc lấy nước. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo được cho nước sắc thuốc vào, đun tiếp một lát, ăn nóng.
  • Dùng tốt cho người đau nhức vùng mắt do viêm kết mạc, đau dây thần kinh số V do chấn thương vùng mặt.

*Kiêng kỵ: Không dùng tang diệp khi ban sởi đã mọc.

Báo Sức khỏe đời sống- TS. Nguyễn Đức Quang


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *