Những lưu ý khi trồng cây Râu mèo

Trên thế giới râu mèo là cây nhiệt đới tương đối điển hình, mọc tự nhiên phổ biến ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, các nước ở Đông Dương và cả ở Châu Phi.  Ở Việt Nam, râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như: Cao Bằng, Thanh Hoá, Hà Tây, Lâm Đồng, Phú Yên,…

Những lưu ý khi trồng cây Râu mèo 1

Phần I. Đặc điểm chung

1. Đặc điểm thực vật

Cây râu mèo-có tên như vậy vì nhị và nhuỵ của hoa thò ra giống râu mèo.

  • Cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,3-0,5 -1m. Thân cây có cạnh vuông, mang nhiều cành.
  • Lá mọc đối, cặp lá trước mọc thành chữ thập đối với cặp lá sau. Cuống lá rất ngắn, chừng 2-5mm.
  • Cụm hoa tận cùng thẳng, mọc thành chum, màu hoa lúc non thì trắng, sau ngả màu xanh tím. Hoa nở suốt mùa hè.

2. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Phần thân lá trên mặt đất của cây được phơi khô hoặc sấy.

Công dụng:

  • Làm thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh viêm thận cấp và mãn, viêm bàng quang, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phu thũng, viêm gan. Liều dùng 30 – 50 gam dạng thuốc sắc.
  • Theo tài liệu Ấn Độ coi dịch hãm lá râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị bệnh thấp khớp và bệnh gút. Liều dùng 5 – 12 gam lá hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Nên uống lúc dịch hãm còn nóng, hoặc sắc nước uống.

Phần II. Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Đất trồng cây râu mèo không đòi hỏi khắt khe. Đất thịt nhẹ có nhiều mùn, tầng canh tác dày là tốt nhất, độ pH 5,5 – 7,0. Độ cao từ 10 – 600m so với mực nước biển. Nhiệt độ thích hợp 20 – 30oC, độ ẩm 80 – 95%, là cây ưa ẩm và ưa sáng. Đất kém cây sinh trưởng phát triển được nhưng năng suất thấp hơn.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Có 2 phương pháp nhân giống: Vô tính và hữu tính. Phương pháp nhân giống vô tính cho hệ số nhân giống cao, dễ áp dụng do đó trong thực tế sử dụng phương pháp này là chủ yếu.

Kỹ thuật làm giống:

Thời vụ ươm giống cây râu mèo từ tháng 2 – 5 hàng năm.

  • Hom giâm mạnh khoẻ, đồng đều, không bị sâu bệnh. Giá thể ươm là cát sạch, không lẫn tạp chất.
  • Lên luống cao 20 – 25 cm, mặt luống rộng 70 – 80 cm, thoát nước tốt, quây xung quanh luống để chặn cát tránh khi tưới cát bị trôi xuống.
  • Vườn ươm cần được làm giàn che bằng lưới đen để giảm bớt cường độ ánh sáng, nhiệt độ và phòng tránh mưa to làm dập nát cây con.
  • Hàng cách hàng 6 – 7 cm, cây cách cây 3 – 4 cm. Giâm cành sau 10 ngày (khi mầm ra rễ) dùng phân đạm loãng 10 – 15 gam cho 8 – 10 lít nước tưới phun ướt đều tán lá và thân hoặc có thể tưới phân bón lá cho cành giâm.
  • Vườn ươm luôn đảm bảo sạch cỏ dại. Nước tưới phải sạch, tưới ẩm thường xuyên (2 – 3 lần/ ngày), độ ẩm trong cát không quá 90%.

Tiêu chuẩn cây giống râu mèo:

  • Cây giống khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh. Chiều cao cây 12 – 15 cm. Thân cứng, thẳng. Lá có 3 đến 4 đôi. Bộ rễ to, khỏe, rễ màu trắng ngà.

3. Thời vụ trồng

Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa xuân từ tháng 2 – 4 hàng năm đối với các tỉnh phía Bắc và vào đầu mùa mưa đối với các tỉnh miền Nam.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất được cày sâu 20 – 25 cm, để ải, bừa kỹ, làm nhỏ đất, nhặt sạch cỏ dại, chia luống 1,0 – 1,2 m bón toàn bộ phân lót, lên luống cao 20 – 25 cm, rộng luống 70 – 80 cm, rãnh rộng 30 – 40 cm, độ dài tùy thuộc ruộng trồng.

5. Mật độ và khoảng cách trồng

  • Mật độ: 125.000 cây/ha.
  • Khoảng cách trồng: 20 x 40 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Những lưu ý khi trồng cây Râu mèo 2

Thời kỳ bón

Bón lót: 100% phân chuồng hoai mục + 20% NPK tổng hợp

Bón thúc: Tổng lượng phân NPK được chia làm 3 đợt bón thúc cho mỗi lứa cắt.

  • Lần 1: Bón khi cây bén rễ hồi xanh hoặc sau cắt 5 – 7 ngày, bón 15% NPK
  • Lần 2: Sau khi trồng hoặc sau lứa cắt 1 – 1,5 tháng, bón 40% NPK
  • Lần 3: Sau trồng hoặc sau lứa cắt 2 – 2,5 tháng bón 25% NPK.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

  • Trồng cây giống đủ tiêu chuẩn theo mật độ đã xác định. Sau khi trồng, tưới và giữ ẩm để cây nhanh bén rễ.
  • Từ khi trồng đến khi cây ra rễ (hoặc ra lá mới sau thu hoạch các lứa) 7 – 10 ngày, độ ẩm thường xuyên đạt 80% (mỗi ngày tưới một lần), trong thời gian này loại bỏ những cây chết, dị dạng, bị sâu bệnh, dặm cây mới.

Chăm sóc

Khi râu mèo vào giai đoạn phát triển mạnh (thường sau trồng hoặc cắt dược liệu 45 – 60 ngày) luôn giữ ẩm 50 – 60%. Trước khi bón thúc kết hợp làm cỏ, xới xáo nếu không đủ ẩm phải tưới bổ sung. Khi cây bắt đầu ra hoa có thể thu hoạch.

8. Phòng trừ sâu, bệnh

Cây râu mèo hầu như không bị loại sâu bệnh nào gây hại đáng kể.

9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thu vào thời điểm trước khi cây nở hoa. Mỗi năm cho thu hoạch 2 – 3 lứa cắt (lần đầu tiên thu sau khi trồng được 2,5 – 3,0 tháng). Sau 2 – 3 năm nên trồng cây mới để năng suất cao hơn.

Sơ chế: Cắt toàn bộ thân lá cách gốc ít nhất từ 20 – 25 cm, cắt ngắn từ 2 – 3 cm, phơi hoặc sấy khô đến khi bẻ cuộng thấy dòn là cho ngay vào túi polyetylen.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *