Hành tăm

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái
  • Cách trồng
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng dược lý
  • Tính vị, công năng
  • Công dụng

Mô tả

  • Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, dạng hành, thường chỉ cao 10 – 20 cm, đôi khi 30 cm.
  • Thân hành màu trắng, thuôn nhỏ như ngón tay, đường kính khoảng 1 – 2 cm, bao bọc bởi nhiều vảy mỏng và dai.
  • Lá mọc thành túm thưa, hình trụ rỗng, rất nhỏ.
  • Cụm hoa dạng đấu, mang rất nhiều hoa có cuống ngắn, bao hoa gồm 6 thuỳ đều nhau, đầu nhọn, nhị nằm ở gốc bao hoa.
  • Quả ít gặp.

Phân bố, sinh thái

Cũng giống như một vài loại hành khác, hành tăm cũng được giả thiết có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, sau lan ra các vùng lãnh thổ khác trên thế giới và hiện được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, có những giống cũng được trồng ở châu Âu.

Hành tăm ở Việt Nam là cây trồng quen thuộc của nhân dân ở một số tỉnh miền núi và trung du phía bắc. Cây cũng được trồng ở đồng bằng và một số địa phương ở vùng núi tại phía nam. Song so với hành hoa và các giống hành củ thì hành tăm được trồng ít hơn nhiều. Đồng bào Tày, Nùng, Dao ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… thường trồng hành tăm ở gia đình và có người trồng ở ruộng rau, với diện tích lớn hơn để bán. Về mùi vị của hành tăm gần giống hành hoa, nhưng ít cay và thơm hơn, nên khi chế biến để ăn người ta thường cho nhiều hơn (đôi khi lấy cả rễ) có khi thay rau xanh.

Hành tăm là cây ưa ẩm, ưa sáng và ra vùng có khí hậu mát mẻ. Cây ra hoa quả ngay trong năm và hạt giống là nguồn giống chủ yếu để gieo trồng. Tuy nhiên, người ta cũng có thể trồng bằng các củ nhánh (hành) già.

Cách trồng

Ở Việt Nam hành tăm được trồng ở một số địa phương.

Trồng hành tăm muốn có năng suất cao người ta phải chọn đất màu mỡ, cát pha, cao ráo, thoát nước. Hành có thể trồng xen, trồng gối vào các loại rau màu khác.

  • Hành tăm nhân giống bằng hạt hoặc bằng củ. Nếu trồng bằng củ thì khi hành già vào khoảng tháng 1 – 2 dọc hành tàn lụi, người ta lấy những khóm hành già đều củ, không có sâu bệnh. Nhổ cả rễ, không được rửa nước cứ thế đem về phơi rồi rũ sạch đất, sau đó buộc lại đem treo cạnh bếp nấu để có khói tránh thối mọt, đến vụ trồng sẽ tách ra thành từng nhánh để trồng.
  • Thời vụ trồng hành tăm nếu trồng sớm vào tháng 8, 9 ở những chân ruộng gặt sớm, còn trồng xen hay trồng gối thường vào tháng 9 – 10.
  • Đất trồng hành tăm nếu trồng độc canh phải cày bừa kỹ, lên thành luống cao 20 cm, mặt luống rộng 70 – 80 cm. Phân bón lót cho 1ha cần 15 – 20 tấn phân chuồng loại mục, 1 – 1,5 tấn tro bếp, 250 kg supe lân. Nếu thiếu tro bếp thì thay bằng 150 – 200 kg kali.
  • Khoảng cách trồng độc canh 20 – 20 cm, còn trồng xen, trồng gối tuỳ theo cây trồng chính.
  • Hành tăm là cây ngắn ngày, từ khi trồng đến khi thu hoạch chừng khoảng 50 – 60 ngày, do đó việc xới xáo, bón thúc hết sức cần thiết. Điều đáng chú ý đối với hành tăm là lượng tro bếp và độ ẩm của đất.
  • Thời gian thu hoạch chừng 3 tháng kể từ khi trồng. Sản lượng tươi đạt từ 25 – 27 tấn cho 1 hecta.

Bộ phận dùng

Toàn cây, tươi.

Thành phần hóa học

Hạt chứa các hợp chất khi thuỷ phân bằng men cho acid glutamic và các amino acid S(pro – 1. enyl) cystein, cystein nulfoxrd (CA. 1963, 68, 71354, CA, 1968, 66, 1129134) một chất tan trong nước tương tự như chất abscimic acid từ căn hành (CA, 1974,80, 93141m).

Trong các loài allium hầu hết chứa các cystein sulphosid: methiin, alliin, isoalliin và propiin.

Tác dụng dược lý

Tác dụng ức chế tập kết tiểu cầu:

Các amid acid N – p – coumaroyltyramin và N – trans – feruloyltyramin, acid lunuloric và acid p – coumaric, tất cả các hợp chất không chứa lưu huỳnh phân lập từ phân đoạn trong ethyl acetat của củ hành tăm, được chứng minh có tác dụng ức chế prostaglandin và thromboxan synthetase. So cánh với aspirin, các hợp chất từ hành tăm có tác dụng mạnh hơn. Adenosid phân lập từ phân đoạn tan trong ” – butanol của củ hành tăm thể hiện hoạt tính ức chế đối với sự kết tập tiểu cầu người in vitro. Ngoài ra, các saponin chimenosid từ hành tăm ức chế sự kết tập tiểu cầu người gây bởi ADP, tác dụng này có thể so sánh được với aspirin (de Padua L. S et al., 1999: 93 – 98].

Tác dụng trên vi sinh vật:

Tinh dầu và cao chiết ethanol hành tăm có tác dụng ức chế nấm Candida albicans với nồng độ ức chế thấp nhất là 2 mg/ml, chứng tỏ hành tăm có hoạt tính này yếu (Duarte M.CT et al., 2005). Tinh dầu có tác dụng ức chế yếu Escherichia coli (Durate M,CT et al., 2007). Cao chiết ethanol 95% là hành tăm có hoạt tính ức chế trực khuẩn lao in vitro (Gautam R et al., 2007).

Tác dụng chống oxy hóa:

Cao methanol phần trên mặt đất của hành tăm được thử nghiệm về hoạt tính chống oxy hoá biểu thị ở tác dụng ức chế sự peroxy hoá acid linoleic, so sánh với quercetin và dl – α – tocopherol. Hành tăm (phần trên mặt đất, có tác dụng chống oxy hoá với nồng độ ức chế 50% (IC50) thấp hơn nồng độ này của dl – α – tocopherol nhưng cao hơn nồng độ của quercetin (Souri E et al., 2004).

Trong nghiên cứu tác dụng chống oxy hoá của củ, lá và cuống của hành tăm, đã xác định hoạt độ các enzym chống oxy hoá, superoxyd dismutase, catalase, peroxydase, glutathion peroxydase, và định lượng malonyldialdehyd, các gốc superoxyd, hydroxyl, glutathion khử và cả hàm lượng flavonoid toàn phần, các clorophyl a và b, carotenoid, vitamin C và protein hoà tan. Các kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết từ tất cả các bộ phận của cây thể hiện hoạt tính chống oxy hoá. Hoạt tính chống oxy hoá cao nhất trong lá (Stafner D et al., 2004).

Tác dụng chống tế bào ung thư:

Đã chứng minh các loài Allium trong đó có hành tâm có thể giúp ngăn cản các bệnh ung thư, tim mạch và sự lão hoá. Đã áp dụng phương pháp quang phổ cộng hưởng điện tử xoay tròn để theo dõi sự giảm các gốc oxy khi có mặt cao chiết hành tăm trong chất đệm phosphat. Các kết quả cho thấy là hành tăm có tác dụng chống oxy hoá mạnh do chứa hàm lượng cao flavonoid toàn phần, carotenoid, clorophyl và lượng rất thấp các gốc oxy độc (Stainer D et al., 2006).

Tác dụng khác:

Hành tăm có tác dụng trị giun sán, tăng đục, giảm chướng bụng, làm dễ tiêu, lợi tiểu, long đờm, hạ huyết áp và kích thích [Duke J.A. et al., 2002: 191 – 192].

Tính vị, công năng

Hành tăm có vị đắng, cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Có tác dụng giải cảm, làm ra mồ hôi, hành khi, hạ đàm, lợi tiểu, giải độc, sát trùng.

Công dụng

Hành tăm thường được dùng làm gia vị, có mùi vị tương tự như hành hoa. Thường dùng làm thuốc giải cảm trúng phong, thấp nhiệt, bệnh thời khí, ôn dịch, nóng rét, nhức đầu, ngạt mũi, ho tức ngực, chữa đầy bụng, bị đại tiểu tiện và dùng làm thuốc an thai. Cũng dùng chữa rắn độc cắn. Ngày dùng 12 – 24g [Võ Văn Chi, 1997: 546].

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, hành tăm được dùng trị sốt, đau dạ dày và nhiễm khuẩn mắt. Hành tăm được coi là có tác dụng điều trị đau thắt ngực, huyết ứ và có trong thành phần một số chế phẩm cổ truyền. Củ hành tăm được dùng để dự phòng chứng huyết khối và để điều trị suy tim [de Padua L.S. et al., 1999: 93 – 98]. Nhân dân Ấn Độ dùng hành tăm làm thuốc long đờm, trị hen và viêm phế quản (Gautam R et al., 2007).

Bài thuốc có hành tăm

  • Trị cảm hàn: Hành tăm giã nát, hòa với nước dùng thông trong và đánh gió bên ngoài.
  • Chữa ăn trúng độc: Hành tăm giã nát, cho thêm rượu uống.
  • Trị bị đái chướng đầy: Hành tăm giã giập sao nóng, đắp lên trên vùng bàng quang.
  • Trị trúng phong cấm khẩu: Hành tăm 20 củ giã nhỏ, vắt lấy nước, dùng lông gà xoa vào cổ sẽ mửa nhớt ra.
  • Trị rắn độc, sâu bọ cắn: Hành tăm 7 củ, nhai nuốt nước, bã đắp vào nơi bị cắn, để điều trị cấp cứu ban đầu, rồi tiếp tục điều trị bằng phương pháp của y học hiện đại [Võ Văn Chi, 1997: 546].

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *