Cỏ thi

Mục lục

  • Mô tả
  • Bộ phận dùng
  • Nơi sống và thu hái
  • Thành phần hóa học
  • Tính vị, tác dụng
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp

Mô tả

  • Cây thảo sống dai, cao 20-40cm hay hơn, có thân mang hoa mọc đứng, khía rãnh dọc chiều dài.
  • Lá không cuống, hẹp, rìa phiến lại chia ra thành rất nhiều các đoạn rất sâu, nhọn và có răng ở mép.
  • Ðầu hoa màu trắng hay hồng, xếp thành ngù rộng ở ngọn; lá bắc thuôn, rất tù, với một cạnh khỏe ở lưng.
  • Quả bế xoan, thuôn dẹp.
  • Mùa hoa ra hoa : tháng 6-9.

Bộ phận dùng

Toàn cây có hoa – Herba Achilleae.

Nơi sống và thu hái

Cây mọc ở vùng núi cao các tỉnh Lào Cai (Sa Pa), Sơn La và Lâm Ðồng (Ðà Lạt) trong các savan cỏ trên đường đi, rìa rừng và đất hoang.

Thu hái cây lúc có hoa, dùng tươi hay phơi trong râm đến khô.

Thành phần hóa học

Cây chứa tinh dầu, chất nhựa, tanin, phosphat, nitrat, muối kali, acid hữu cơ. Glucosid đắng đã biết là achillein; nó là một glucosid cyanogenetic hay một glucoalcaloide. Còn một alcaloid kết tinh gọi là betonicin.

Tính vị, tác dụng

Vị ngọt, đắng, cay, tính hàn, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng, chỉ thống, điều kinh. Trong Tây y, người ta cho nó là chất kháng viêm và chống co thắt, kích thích nội tiết các dịch tiêu hóa (giúp ăn ngon) nó điều hòa và chống co thắt trong chứng rối loạn kinh nguyệt, và còn là chất làm tan sưng. Nhưng với liều cao nó gây chóng mặt và đau đầu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

  • Mệt mỏi toàn thân, ăn uống không ngon, trướng bụng, ỉa chảy;
  • Ho, hen suyễn;
  • Kinh nguyệt không thông, hành kinh đau bụng, rối loạn khi mãn kinh;
  • Thấp khớp, thống phong;
  • Sỏi mật và sỏi niệu;
  • Trĩ, sốt liên miên.
  • Liều dùng 4-12g, dạng thuốc hãm uống hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài trị bạch đới, lậu, trĩ, đau khớp, viêm da, viêm mủ da, mụn nhọt, nứt da, cầm máu các vết thương, rắn cắn, chó cắn… lấy cây tươi giã đắp.

 


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *