Cây đậu xanh

Mục lục

  • Mô tả cây
  • Phân bố, thu hái và chế biến
  • Thành phần hóa học
  • Công dụng và liều dùng

Mô tả cây

Cây thảo, mọc đứng, ít phân nhánh, cao 0,6m, lá có 3 lá chét, lá chét hình trái xoan, ba cạnh, màu lục sẫm, có lông nháp. Hoa màu vàng hoặc lục, rất dày đặc, xếp thành chùm ở nách, quả nằm ngang hình trụ, có lông rồi nhẵn, có đầu nhọn ngắn. Hạt 10-15 phân cách nhau bởi các vách, màu lục, bóng.

Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây được trồng ở khắp nước ta lấy hạt chủ yếu làm thực phẩm. Nhiều nước nhiệt đới châu Phi, châu Mỹ cũng trồng.
  • Trong nhân dân Việt Nam, ngoài công dụng thực phẩm, đậu xanh toàn hạt và vỏ hạt được dùng làm thuốc.
  • Vỏ hạt đậu xanh còn gọi là lục đậu bì, hay lục đậu y, lục đậu xác thu được bằng cách xay đậu, ngâm nước và gạn lấy vỏ phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Hạt đậu xanh có trung bình 13,7% nước, 23% protid, 2,4% lipid và 52% glucid, 4,6% xenlulose. Mỗi 100g đậu xanh cung cấp cho cơ thể 329 calo, 62,7mg canxi, 369,5mg P, 4,7mg% Fe, 0,06mg% caroten, 0,71mg% vitamin B1, 0,15mg% vitamin B2, 2,4mg% vitamin PP, 4mg% vitamin C.

Công dụng và liều dùng

  • Đậu xanh được ghi làm thuốc trong sách “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh và “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân.
  • Toàn hạt đậu xanh vị ngọt, tính hàn không độc, có tác dụng tiêu tích nhiệt, giải bách độc (các chất độc). Dùng nấu ăn để tiêu thũng phù, hạ khí, giải nhiệt độc, giải các chất độc của thuốc và kim loại
  • Ngày dùng 20 đến 40g dưới dạng nấu chín nhừ mà ăn.
  • Kiêng kỵ: Không thực nhiệt thì không dùng. Không dùng chung với Phỉ tử (Hạt hẹ).

Đơn thuốc – món ăn có đậu xanh 

  • Chữa đái đường (tiêu khát): Nấu cháo đậu xanh mà ăn hằng ngày.
  • Chữa phát nóng, sưng quai hàm nhức nhối: Đậu xanh tán thật nhỏ trộn với dấm mà phết lên nơi sưng đau thật dày khô lại thêm dấm vào, mỗi ngày 1 lần, khỏi thì thôi (Nam dược thần hiệu).
  • Trúng phải thuốc có chất độc, ngất đi nhưng tim còn đập: Bột đậu xanh quấy với nước mà uống.
  • Cháo vừng đậu xanh: đậu xanh 50g, vừng hạt 30g, trần bì 8g. Đậu xanh xay vỡ, trần bì tán bột; cùng nấu cháo bột ăn. Dùng cho các trường hợp viêm đường tiết niệu, đái đục, đái dắt, đái buốt.
  • Nước bột đậu xanh, sữa đậu nành giải độc: đậu xanh 100g, đậu hũ (hoặc sữa đậu nành) 200 – 300ml. Đậu xanh tán bột, cùng đem khuấy trộn đều uống. Áp dụng cho mọi trường hợp bị ngộ độc, độc dược, chất khoáng, kim loại arsenic, rượu, thuốc…
  • Đậu xanh hầm lõi cải bắp, rau diếp: đậu xanh xay 60g, cuống bắp cải 2 – 3 cái. Đậu xanh nấu chín; cuống bắp cải gọt bỏ phần xơ cứng ngoài, thái lát cho tiếp vào và nấu chín nhừ. Ngày ăn 1 – 2 lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm tuyến nước bọt (quai bị).
  • Cháo đậu xanh: đậu xanh xay 50 – 100g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo ăn hằng ngày. Dùng cho bệnh nhân mạch vành, say nắng say nóng, sốt nóng khát nước, mụn nhọt lở ngứa, trúng độc do ăn uống.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *