Cây chai

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Công dụng

Mô tả

  • Cây to, cao 20 – 40 m, rụng lá vào mùa khô. Thân hình trụ, tán lá dày, cành non có lông, vỏ thân màu xám nâu, có vết nứt dọc và tiết nhựa. Lá mọc so le, hình mác thuôn, phiến dày và dai, dài 8-10 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc tù, đầu có mũi nhọn, mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu nâu đỏ; cuống lá có rãnh, hơi xoắn, dài 1-2 cm; lá kèm có lông, sớm rụng.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá, dài 6-8 cm, phân nhiều nhánh thành chùm có lông; hoa màu trắng hồng, nhị nhiều xếp thành 3 hàng.
  • Quả màu nâu, có 5 cánh, 3 cánh to và 2 cánh nhỏ.
  • Mùa hoa: tháng 6 – 8.
  • Mùa quả: tháng 9 – 10.

Phân bố, sinh thái

  • Chi Shorea Roxb. phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Cây chai chỉ có ở Lào, Campuchia và Nam Việt Nam. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh của Việt Nam đều có loài cây này.
  • Chai là một cây gỗ lớn, mọc thẳng, ưa sáng và có khả năng chịu được khô hạn. Cây thường mọc ở rừng hỗn giao giữa cây lá rộng thường xanh với cây rụng lá, hoặc ở kiểu rừng thưa cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) đôi khi xen lẫn với lồ ô; ở độ cao phổ biến từ 200 đến 600 m. Cây trưởng thành ra hoa quả nhiều hàng năm, tuy nhiên cây con mọc từ hạt không nhiều, do khả năng sống sót dưới tán rừng tự nhiên kém (Vũ Văn Dũng et al, 1996).
  • Gỗ chai được xếp vào loại trung bình (nhóm 3) được sử dụng trong xây dựng và đóng đồ dùng gia đình. Nhựa của vỏ thân (chai cục) để chế tạo sơn và dầu đánh bóng gỗ. Hàng năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu được nhiều nhựa của các loài cây họ Dầu, trong đó có nhựa chai.

Bộ phận dùng

Vỏ cây.

Thành phần hóa học

Có nhiều nhựa màu vàng nhạt (Võ Văn Chi 1997).

Công dụng

  • Nhựa cây chai được dùng trong kỹ nghệ sơn và làm xà phòng, trộn với dầu rái để xảm thuyền, vỏ cây trộn với thức ăn của lợn làm lợn nái mất khả năng sinh đẻ.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, nhựa chai trộn với dầu lạc vói tỷ lệ bằng nhau, đun nhỏ lửa, khuấy nhẹ đến khi được một hỗn hợp đồng đều và hết mùi nhựa cây. Phết thuốc lên vải hoặc giấy sạch, để khô. Khi dùng, dán thuốc lên vết thương đã rửa sạch, băng lại. Cứ 2 – 3 ngày, thay băng một lần. Thuốc có tác dụng hút mủ nhanh, vết thương chóng khô, không có mùi hôi, mau lành.
  • Dựa trên kinh nghiệm đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, nhựa chai đã được bào chế thành cao dán, lấy tên là “Cao giải phóng” với ký hiệu K77C và được sử dụng rộng rãi với kết quả tốt để chữa vết thương cho bộ đội và nhân dân trong vùng.

 


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *