Càng cua

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Công dụng

Mô tả

  • Cây thảo, leo bằng thân quấn. Thân cành nhẵn, phình ở mấu, khi non màu xanh lục, sau màu nâu xám, có nốt sần. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hơi hình trứng, dài 8 – 18 cm, rộng 4-9 cm, gốc tròn, đầu hơi có mũi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng, gân phụ 20-30 đôi xếp sít nhau và gần như vuông góc với gân chính.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim ngắn; hoa nhỏ màu vàng; đài có 5 răng nhọn; tràng có ống ngắn, cánh hoa hình mũi mác, uốn lượn, tràng phụ có vảy ngắn; nhị có chỉ nhị không dính liền, bao phấn hình mũi tên, có nhiều lông.
  • Quả gồm 2 đại, dài 7 – 8 cm, rộng khoảng 1 cm, xếp đối diện nhau thành đường thẳng, đầu thuôn nhọn, hạt dài hơn 2 cm, có lông trắng.
  • Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10.
  • Cây dễ nhầm lẫn: Hà thủ ô trắng

Phân bố, sinh thái

  • Chi Cryptolepis R. Br. có 3 loài ở Việt Nam. Loài càng cua có vùng phân bố rộng rãi nhất, khắp từ vùng núi thấp giáp biên giới phía bắc, đến vùng trung du, đồng bằng của các tỉnh ở Nam Bộ và các đảo lớn. Cây cũng gặp nhiều ở Ấn Độ, các nước Đông Dương và các tỉnh phía nam Trung Quốc.
  • Càng cua là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao, thường leo lên các cây bụi hay cây gỗ nhỏ ở vùng đồi, ven rừng thưa, bờ nương rẫy hay trong các lùm bụi quanh làng. Càng cua ra hoa quả nhiều hàng năm; quả có túm lông phát tán nhờ gió. Cây còn có khả năng tái sinh dinh dưỡng khỏe từ các đoạn thân và mọc cây chồi sau khi bị chặt. Càng cua trồng được bằng cách giâm cành.

Bộ phận dùng

Toàn cây thu hái quanh năm.

Thành phần hóa học

  • Toàn cây càng cua có nhựa mủ như sữa, chứa 69,8% nước, chất tan trong nước 2,8%, tro 1,2%, nhựa và mỡ 16,4%, protein và chất sợi 0,4%, cao su 10,1%. (Võ Văn Chi TDCTVN – 1999. 368).
  • Theo tài liệu Ấn Độ, nhựa càng cua chứa nước và chất tan trong nước 42,9%, cao su 6,5%, chất tủa gồm cao su 11,3%, nhựa 47,6% và chất không tan 41,1%. (The wealth of India vol II, 1950, p. 385).
  • Venkatesvvara R. Rao, K Sankara đã tách từ lá càng cua tươi và tế bào nuôi cấy mô của cây được một glucosid steroid loại digoxin đặt tên là cryptosin.
  • Cryptosin có cấu trúc 3 β (d – deoxyglucose – oxy) – 14β – 11β. dihydroxy 7α, 8α – epoxy – 12 oxo – 5β – card – 20 (22) enolid. (CA. 107,1989. 233070 r; CA. 111, 1989,1122961; Phytochemistry 1989 28 (4) 1203 – 5).
  • Purushothaman, Kozhiparambil K. đã phân lập và xác định một số glucosid tim trong càng cua là cryptanosid A và C. Đó là glucosid tim chủ yếu có trong lá và rễ được xác định cấu trúc là: Sarverogenin – 3 – O – α. L oleandrosid và sarverogenin – 3 – O – β – O – glucopyranosyl (1 -> 4) – α – L – oleandrosid.
  • Cryptanosid B là thành phần thứ yếu có trong lá càng cua là isosarverogenin – 3- O- α-L- oleandrosid và cryptanosid D là dẫn chất isosarverogenin tương ứng của cryptanosid c được phân lập dưới dạng acetat từ sản phẩm thô cryptanosid C được acetyl hoa. Ngoài ra, người ta còn phân lập được chất germanicol docosanoat từ rễ (CA. 109, 1988, 208249 q).
  • Hạt càng cua chứa dầu béo. Theo Daulatabađ. CD, Mulla G. M, dầu càng cua chứa một ceto acid béo là 9 0X0 cis – 12 octadecenoic với lượng 45,9%; đây là nguồn dầu béo có hàm lượng cetoacid béo cao. (CA. 116, 1992, 170239 r).
  • Theo tài liệu Trung Quốc (TDTH I, 1393), càng cua chứa cryptolepsidin, cryptanosid A, B, C, cryptolepine, buchananin, quindolin, germanicol và docosanoat.

Công dụng

Cây càng cua rất độc, có thể gây chết người. Nhân dân dùng lá tươi băm nhỏ lấy nhựa bôi chữa nhọt mủ. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị đòn ngã chấn thương, mụn nhọt, sưng lở và lấy nhựa cây bôi chữa vết thương do gai đâm. Ở Nepal, nhân dân bôi nhựa mủ của cây để trị đau lưng.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *