Cải đồng

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Công dụng

Mô tả

  • Cây thảo, sống hàng năm, cao 20 – 30 cm, phân cành ngay từ gốc. Thân hình trụ, có khía dọc và lông trắng, cành mọc lòa xòa.
  • Lá mọc so le, không cuống, gần hình bầu dục, gốc hình tim, đầu tù hoặc hơi nhọn, xẻ thùy không đều và có răng tròn nhỏ, thùy nhỏ dần về phía gốc, hai mặt có lông dài trắng; lá vò ra có mùi thơm như cải cúc.
  • Cụm hoa mọc đơn độc ở đầu cành thành đầu màu vàng, đường kính 1-1,2 cm, có cuống dài; tổng bao có 2 – 3 dãy lá bắc, lá bắc ngoài rất nhiều lông; hoa toàn hình ống, phía ngoài là hoa cái xếp thành 6 dãy, ở giữa là hoa lưỡng tính; mào lông của hai loại hoa đính nhau ở phần dưới; tràng hoa cái rất hẹp có tuyến, 3-4 răng nhỏ; tràng hoa lưỡng tính rộng và ngắn hơn, cũng có tuyến và 5 răng, nhị 5, bầu hình thoi rộng, mặt ngoài có tuyến.
  • Quả bế, hơi dẹt, có 3 cạnh.
  • Mùa hoa quả: tháng 4-6.

Phân bố, sinh thái

  • Grangea Adans. là một chi nhỏ, chỉ có một loài là cải đồng ở Việt Nam.
  • Cải đồng là loài cây cỏ nhiệt đới, phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, cải đồng thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du; đôi khi thấy cả ở những vùng núi có độ cao dưới 1000m. Cây ưa ẩm, mọc nhiều ở những ruộng mới bỏ hoang, chỗ đất trũng trên nương rẫy, ven đồi và trong thung lũng. Cải đồng ưa khí hậu ẩm mát, sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa xuân, với nhiệt độ 19 – 23°c. Cây ra hoa quả nhiều; khi cây bị tàn lụi, hạt giống lẫn trong đất sẽ nảy mầm vào đầu mùa xuân năm sau.
  • Cải đồng được coi là loài cỏ dại ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, ngọn và lá non dùng làm rau ăn được.

Bộ phận dùng

Cành và lá.

Thành phần hóa học

  • Cải đồng chứa một diterpen là 8 – hydroxy – 13 E – labdan – 15 – yl acetat, 3 eudesmanolid (-) – frulanolid, (-) – 7 α – hydroxyfrulanolid và (+) – 11 α, 13 – dihyđro – 3 α, 7 α – dihydroxyfrulanolid, nhiều dẫn chất clerodan và một dẫn chất phenylalanin là auranamin (CA 122: 76.626 s, CA 110: 189.369 f, CA 109: 128.810 g, CA 114: 160.696 g).
  • Cải đồng còn auranamiđ ở phần trên mặt đất và nhiều chất khác như α – humulen, phytol, lupeol, acid centipedic và acid nidoresedic (Compendium of Indian Medicinal Plants, vol 5 (1990 – 1994), 1998).

Công dụng

  • Cải đồng bỏ rễ, phơi khô, cắt nhỏ, hãm với nước sôi, uống hàng ngày, có tác dụng bổ dạ dày, giảm đau. Nước sắc của cây dùng rất tốt cho phụ nữ sau khi đẻ và có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Liều dùng hàng ngày là 10 – 20g. Cải đồng phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần một thìa cà phê để chữa ho, ho gió, ho có đờm. Dùng ngoài, lấy bột cải đồng rắc làm thuốc cầm máu, sát khuẩn chữa vết thương.
  • Trong y học dân gian Ấn Độ, lá cải đồng được dùng làm thuốc dễ tiêu, thuốc khai thông, chống co thắt, dưới dạng nước hãm hoặc thuốc tê để điều trị rối loạn kinh nguyệt và còn được dùng chườm nóng để sát khuẩn và giảm đau. Dịch ép lá nhỏ tai trị đau tai. Lá cải đồng giã nát với gừng và hồ tiêu, uống 20 – 25 ml dịch ép từ hỗn hợp này cho thêm đường làm thuốc kháng khuẩn trị loét.

Bài thuốc có cải đồng

Chữa chứng ho lâu ngày, mất tiếng: Lá cải đồng 50 g; hạnh nhân, ngũ vị tử, mỗi vị 20g. Hạnh nhân bóc bỏ vỏ và cắt đầu nhọn, giã nhỏ, gói trong lá dâu, nướng chín, rồi lấy ra phơi khô, tán bột cùng với ngũ vị tử phơi khô. Lá cải đồng nấu với nước rồi cô thành cao lỏng, trộn với bột trên làm viên bằng hạt ngô. Ngày ngậm 3 viên.


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *