Bạch đậu khấu

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái
  • Bộ phận dùng
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng dược lý
  • Tính vị, công năng
  • Công dụng Bạch đậu khấu
  • Bài thuốc có bạch đậu khấu

Mô tả

  • Cây thảo, sống lâu năm, cao 2 – 3 m. Thân rễ mọc bò ngang. Lá mọc thành hai dãy, hình dải, dài 20 – 25 cm, rộng 7-10 cm, gốc bằng, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, mép hơi uốn lượn, bẹ lá có khía.
  • Cụm hoa mọc thành bông dày từ thân rễ, bao bọc bởi nhiều vảy chuyển dần thành lá bắc xếp lợp, rụng sớm; đài hoa hình ống, có 3 răng, màu trắng pha đỏ nhạt; tràng hoa gồm 3 cánh màu trắng, cánh môi hình trứng màu vàng; nhị 1, chỉ nhị ngắn, hơi cong; nhị lép nhỏ; bầu nhẵn, 3 ô chứa nhiều noãn, vòi nhuỵ hình chỉ, đầu nhuỵ nhỏ.
  • Quả nang hình cầu, nhẩn, có khía dọc, khi chín màu nâu trắng; hạt có tinh dầu thơm Mùa hoa quả: tháng 5-8.

Phân bố, sinh thái

  • Amomum Roxb. là một chi lớn có khoảng 250 loài ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, song tập trung nhất ở châu Á. Chúng phân bố suốt từ vùng Nam Himalaya, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, xuống các nước Đông Dương, vùng Đông Nam Á đến tận Australia. Trong đó, riêng ở đảo Borneo có tới 30 loài, Malaysia 13 loài, và Việt Nam khoảng 30 loài. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, vì ngay ở Việt Nam, chi Amomum Roxb. có mức độ đa dạng khá cao.
  • Trong số các loài thuộc chi này ở Việt Nam, có lẽ bạch đậu khấu là loài ít được quan tâm điều tra nghiên cứu. Theo một công bố gần đây, cây mới được phát hiện ở An Giang (Võ Văn Chi, 1997). Cây còn phân bố ở Cam Pu Chia, Thái Lan, Trung Quốc. Ở Thái Lan, Malaysia, và Trung Quốc có trồng thêm.
  • Bạch đậu khấu là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường mọc thành từng khóm lớn ở ven rừng hay gần nguồn nước. Hàng năm, cây ra hoa quả từ phần thân rễ mọc sát mặt đất. Trong cả một khóm lớn, chỉ có những nhánh 1-2 tuổi mới có hoa. Cây có khả năng tái sinh dưỡng khỏe bằng cách mọc chồi từ thân rễ. Có thể trồng được bằng các nhánh con và bằng hạt.

Bộ phận dùng

Quả và hoa Quả hình cầu dẹt, 3 múi, đường kính 1,0 – 1,5 cm, vỏ ngoài màu trắng, nhẵn, có một số đường vân dọc, đôi khi còn sót lại cuống quả. Vỏ quả khô, dễ tách. Bên trong có 20 – 30 hạt, tập hợp thành hình cầu. Mùi thơm, vị cay.

Thành phần hóa học

  • Quả bạch đậu khấu chứa tinh dầu, 3 – 4 %, trong đó có 60 – 80 % cineol, camphen, p.cymen, α – humulen, limonen, α – pinen, terpinen và terpineol (Prosea 12 (1), 1999).
  • Hoa chứa tinh dầu với các thành phần: 1,8 – cineol, α – pinen, α – terpineol, α – humulen, caryophylen, myrcen, p.cymen, α – humulen oxyd, Sabinen, limonen, terpinen – 4 – ol, carvon, myrtenal. (Trung dược từ hải II, 1996).

Tác dụng dược lý

  • Bạch đậu khấu có tác dụng tăng cường nhu động ruột, gia tăng sự phân tiết dịch vị, óc chế sự lên men không bình thường ở ruột và chống nôn. Nước sắc vỏ (100%) có tác dụng ức chế sự phát triển của trực trùng lỵ. Tinh dầu bạch đậu khấu trên chuột lang gây bệnh lao thực nghiệm, tăng cường tác dụng điều trị của Streptomycin dùng với liều nhỏ.
  • Ngoài ra, bạch đậu khấu còn có tác dụng chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn và hạ huyết áp.
  • Từ quả bạch đậu khấu ở Thái Lan, đã tách chiết được một diterpen peroxid; chất này có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, do đó rất được chú ý trong công tác phòng chống sốt rét. Thí nghiệm trên ống kính cho thấy tác dụng của diterpen peroxid khoảng 1/10 tác dụng của artemisinin và bằng tác dụng của arteflene là một thuốc chống sốt rét có hiệu quả mà vể mặt cấu trúc có liên quan đến artemisinin. Ở Ấn Độ, loài amomum fenzlii Kurz được dùng chữa sốt rét, ở Trung Quốc là loài Amomum tsao – ko Crerost & Lem (Thảo quả) và ở Việt Nam là cây Amomum krervanh.

Tính vị, công năng

Theo y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính ấm vào các kinh phế, tỳ, vị có tác dụng hành khí, hóa thấp, ôn trung, chỉ ẩu (cầm nôn).

Công dụng Bạch đậu khấu

  • Chủ yếu chữa rối loạn đường tiêu hóa như kém ăn, khó tiêu, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi, đi ngoài, trẻ con trớ sữa. Ngoài ra, nó còn được dùng làm thuốc điều kinh, hạ sốt, đôi khi chữa lao có ho ra máu, thấp khớp, sốt rét, giải độc rượu. Liều dùng: 2-6 g/ngày.
  • Chú ý: Khi sắc thuốc gần xong nước còn đang sôi mới cho bạch đậu khấu vào, vì sắc lâu dược liệu sẽ giảm tác dụng.

Bài thuốc có bạch đậu khấu

  • Chữa chứng bụng đầy, ngực đau: Bạch đậu khấu 5g, hậu phác 6g, quảng mộc hương 3g, cam thảo 3g. sắc nước uống.
  • Chữa nôn mửa khi thai nghén: Bạch đậu khấu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Gừng tươi giã nát, ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại dùng nước sắc còn độ 50 – 60 ml, lọc uống với nước gừng.
  • Chữa lợm giọng, buồn nôn:  Nhấm hạt đậu khấu, nuốt nước.
  • Chữa trẻ em hay trớ sữa: Bạch đậu khấu 14 nhân, sa nhân 14 nhân, sinh cam thảo 6g, chích cam thảo 6g. Tán thành bột mịn, xát vào miệng trẻ.
  • Giải độc rượu khi say rượu không tỉnh:  Bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. sắc nước uống.

 


Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *