Ung thư trong khi mang thai

Ung thư trong khi mang thai

Biên dịch: Phạm Công Hoài

Hiệu đính: BS. Võ Ngọc Tú

Được phê chuẩn bới Cancer.Net Editorial Board, 08/2020

Ung thư trong quá trình mang thai là điều không phổ biến. Về bản chất thì ung thư hiếm khi ảnh hưởng đến thai nhi (trẻ còn trong bụng mẹ). Việc chẩn đoán, điều trị ung thư trong thai kỳ có thể trở nên phức tạp hơn bình thường. Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư, phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế, mỗi biện pháp y tế cần được thực hiện một cách cẩn thận. Làm việc với một đội ngũ chăm sóc sức khoẻ, có kinh nghiệm điều trị ung thư trong thai kỳ là điều hết sức cần thiết. Tìm hiểu thêm: tìm kiếm bác sĩ chuyên khoa ung bướu.

Chẩn đoán cũng như bắt đầu điều trị ung thư trong thai kỳ có thể mang đến sự căng thẳng cao độ, hoặc vượt quá khả năng chịu đựng. Để vượt qua điều này, bạn hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với nhân viên y tế. Nhờ đó mà họ có thể đưa ra những hỗ trợ cần thiết. Có thể là một buổi gặp mặt nhóm trực tiếp hoặc trực tuyến giữa những người đang hoặc đã từng được chẩn đoán ung thư trong thai kỳ. 

Những loại ung thư nào có thể xảy ra trong thai kỳ?

Phổ biến nhất là ung thư vú trong thai kỳ, với tỷ lệ 1/3000 thai phụ. Ngoài ra, các loại ung thư khác, có xu hướng xảy ra trong thai kỳ, thường gặp hơn ở những người trẻ không mang thai, bao gồm:

  • Ung thư cổ tử cung
  • Bệnh lý nguyên bào nuôi thai kỳ
  • U lympho Hodgkin
  • Ung thư hắc tố da
  • U lympho không-Hodgkin
  • Ung thư tuyến giáp

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư trong thai kỳ?

Thật không dễ để phát hiện ung thư khi người phụ nữ đang mang thai. Bởi vì một số triệu chứng ung thư như chướng bụng, đau đầu, chảy máu hậu môn rất thường gặp ở thai kỳ bình thường. Tuyến vú trong thai kỳ bình thường cũng lớn hơn và thay đổi mô tuyến. Điều đó có nghĩa là, những thay đổi do ung thư ở thai phụ hoàn toàn có thể phát hiện muộn. Từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán bệnh so với phụ nữ không mang thai.

Thỉnh thoảng, mang thai cũng giúp phát hiện ung thư. Ví dụ như, xét nghiệm pap (phết tế bào cổ tử cung) là một xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn trong thai kỳ, có thể phát hiện ung thư cổ tử cung. Siêu âm trong khi mang thai, có thể phát hiện ung thư buồng trứng.

Một vài xét nghiệm ung thư an toàn cho quá trình mang thai cũng như thai nhi mà bác sĩ có thể dùng. Những loại khác thì có thể gây hại. Do đó hãy luôn trao đổi với bác sĩ của bạn về mỗi xét nghiệm được khuyên, cũng như cho kỹ thuật viên biết là bạn đang mang thai. Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư thường là:

X quang

Nghiên cứu cho thấy mức độ phóng xạ trong chụp X quang quá thấp để ảnh hưởng đến thai nhi. Có thể sử dụng tấm chắn che phủ vùng bụng khi chụp.

Chụp vi tính cắt lớp (CT hay CAT)

CT là một phương pháp dựa trên tia X như X quang, nhưng độ chính xác cao hơn. Lý do là vì CT dùng nhiều phóng xạ hơn. CT có thể phát hiện ung thư cũng như cho thấy mức độ lan tràn của nó. CT đầu và ngực trong thai kỳ thường an toàn, vì thai nhi không chịu ảnh hưởng trực tiếp của phóng xạ. Có thể dùng khiên chắn để bảo vệ vùng bụng trong quá trình chụp. CT bụng và vùng chậu chỉ nên được thực hiện khi không còn lựa chọn khác. Trao đổi với bác sĩ về độ cần thiết của phương pháp này, cũng như rủi ro chúng mang lại.

Những phương pháp khác

MRI, siêu âm và sinh thiết được xem là an toàn đối với thai kỳ.

Điều trị ung thư trong thai kỳ như thế nào?

Lựa chọn phương pháp điều trị

Cần một đội ngũ các bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khoẻ có chuyên ngành khác nhau cùng hợp tác để đưa ra một kế hoạch điều trị ung thư trong thai kỳ. Bao gồm bác sĩ ung bướu, bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm với thai kỳ nguy cơ cao. Bác sĩ sản khoa – là danh xưng thường dùng cho các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho thai phụ trong quá trình mang thai cũng như phụ nữ sau khi sinh.

Bác sĩ ung bướu và bác sĩ sản khoa của bạn sẽ đánh giá và so sánh về các lựa chọn điều trị tối ưu cũng như những rủi ro có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi sự cẩn thận xem xét nhiều yếu tố. Tuổi thai, loại ung thư, kích thước cũng như giai đoạn của nó là những yếu tố quan trọng. Các bác sĩ sẽ trao đổi với bạn liệu rằng bạn có quyết định điều trị ung thư hay không. Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Đề nghị hoãn hoặc tránh các phương pháp điều trị

Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị hoãn/tránh các liệu pháp điều trị nào đó. Một vài ví dụ:

  • Trong 03 tháng đầu thai kỳ, một vài phương pháp điều trị ung thư có thể tác động xấu đến thai nhi. Bác sĩ có thể đề nghị trì hoãn đến 03 tháng giữa hoặc 03 tháng cuối thai kỳ. 
  • Một vài phương pháp điều trị có thể tác động không tốt đến thai nhi bất kể giai đoạn nào của thai kỳ. Bác sĩ có thể đề nghị hoãn sử dụng các phương pháp này cho đến sau khi sinh. Điển hình là xạ trị, sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để phá huỷ tế bào ung thư. Tuỳ thuộc vào liều lượng phóng xạ và vùng chiếu xạ trên cơ thể, có thể gây hại đến thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
  • Khi bác sĩ phát hiện ung thư ở gần cuối thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị bắt đầu điều trị sau khi sinh em bé.
  • Bác sĩ có thể đề nghị bạn điều trị một vài loại ung thư điển hình, như là ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, sau khi em bé được sinh.

Những phương pháp điều trị ung thư nào có thể được sử dụng trong thai kỳ?

Một vài phương pháp điều trị an toàn cho thai kỳ hơn những phương pháp khác:

Phẫu thuật

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể loại bỏ khối u, cũng như các mô khoẻ mạnh xung quanh nó. Thông thường không có rủi ro đáng kể cho thai nhi. Đây được xem là phương pháp điều trị ung thư an toàn nhất ở bất kỳ tuổi thai nào.

Sử dụng thuốc điều trị ung thư

Phác đồ điều trị có thể bao gồm dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, chẳng hạn như hóa chất. Hoá trị chỉ được sử dụng trong một số thời điểm nhất định trong thai kỳ.

  • Trong 03 tháng đầu thai kỳ, hoá trị có nguy cơ gây dị tật thai nhi, hoặc sảy thai. Đây là giai đoạn các cơ quan thai nhi vẫn đang hình thành.
  • Trong quý 02 và quý 03 của thai kỳ, bác sĩ có thể đưa ra một vài phác đồ hoá trị có nguy cơ thấp cho thai nhi. Nhau thai có vai trò như là một bức tường bảo vệ cho thai nhi, ngăn chặn sự xâm nhập một vài loại thuốc. Một vài loại thuốc có thể vượt qua với số lượng không đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em bị phơi nhiễm hóa trị trong thai kỳ không cho thấy các vấn đề về sức khoẻ hơn là các trẻ em không bị phơi nhiễm, bao gồm giai đoạn sau khi sinh và trong quá trình trưởng thành.
  • Hoá trị ở cuối thai kỳ có thể dẫn đến các tác dụng phụ như thiếu máu. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây hại trực tiếp đến thai nhi trong lúc sinh và ngay sau khi sinh.
  • Bác sĩ có thể cân nhắc đến khởi phát chuyển dạ sớm để bảo vệ thai nhi từ tác hại của việc điều trị ung thư. Quyết định này cần được xem xét kỹ lưỡng, về cả điều kiện sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
  • Bạn nên ngừng cho con bú nếu điều trị hóa chất sau sinh. Bởi thuốc có thể truyền qua sơ sinh thông qua sữa mẹ.

Mang thai có ảnh hưởng đến điều trị ung thư không?

Mang thai, tự nó không có ảnh hưởng đến điều trị ung thư. Mà việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn hoặc không khởi trị ngay có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Cần nên trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và làm thế nào để hồi phục sau điều trị ung thư.

Những câu hỏi đến nhân viên y tế

Nếu bạn mang thai và phát hiện ung thư, những câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ của bạn

  • Kinh nghiệm điều trị ung thư cho thai phụ?
  • Quá trình kết hợp làm việc với bác sĩ phụ sản như thế nào?
  • Tôi cần làm thêm những xét nghiệm đặc biệt nào để làm rõ hơn về vấn đề ung thư? Ảnh hưởng của các xét nghiệm này đến thai nhi?
  • Những lựa chọn về phương pháp điều trị ung thư cho tôi.
  • Kế hoạch nào bạn nghĩ là tốt nhất cho tôi? Tại sao?
  • Tôi có nên bắt đầu điều trị ngay bây giờ, hay tôi nên chờ đợi ?
  • Việc trì hoãn điều trị có ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư không?
  • Việc giữ thai có an toàn không?
  • Những nguy cơ sớm và lâu dài trong quá trình điều trị ung thư cho tôi, cho em bé là gì?
  • Làm thế nào để theo dõi sức khỏe thai nhi trong quá trình điều trị?
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng thế nào đến quá trình sinh con?
  • Tôi có thể cho con bú không?
  • Có nhân viên cố vấn, nhân viên hoạt động xã hội hỗ trợ bệnh nhân ung thư, hoặc các đội ngũ khác có thể giúp tôi đối mặt với ảnh hưởng tâm lý từ chẩn đoán ung thư không?
  • Có dịch vụ chăm sóc nào cũng như nguồn hỗ trợ đến tôi, gia đình tôi không?

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/cancer-during-pregnancy?fbclid=IwAR1oDET5a7QWoolbkTlEDOvLHTonTZvMOX2pFhR41EhOV1H2nKGi5C2zBn8

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *