Song thai – Những câu hỏi thường gặp

Song thai – Những câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân của song thai?

Song sinh thường xảy ra hơn ở một số gia đình. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tuổi tác. Phụ nữ trên 30 tuổi dễ có song thai hơn so với những phụ nữ trẻ tuổi hơn. Một phần nguyên nhân là do phụ nữ ở lứa tuổi 30, đặc biệt là những năm cuối lứa tuổi 30, thường rụng nhiều hơn một trứng trong chu kỳ kinh nguyệt.

Phụ nữ dùng thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc được thụ tinh trong ống nghiệm có khả năng mang song thai khác trứng cao hơn bình thường. Thuốc hỗ trợ sinh sản có thể khiến nhiều hơn một trứng rụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, trứng được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Một bác sĩ sau đó sẽ đặt phôi vào tử cung của người mẹ. Khả năng mang song thai, tam thai hoặc hơn nữa sẽ xuất hiện nếu nhiều hơn một phôi được đưa vào tử cung.

Song thai khác trứng

Thường thì một trứng sẽ được phóng thích trong quá trình rụng trứng. Sự thụ tinh xảy ra khi một tinh trùng kết hợp với một trứng. Đôi khi có hai trứng rụng cùng lúc và cả hai trứng đều có thể được thụ tinh bởi những tinh trùng khác nhau. Hiện tượng này xảy ra tạo nên song thai khác trứng. Điểm tương đồng ở những cặp song sinh này cũng chỉ tương tự ở những trẻ anh chị em ruột sinh ra tại những thời điểm khác nhau. Những trẻ song sinh này có thể đều là nam, đều là nữ, hoặc một nam một nữ. Mỗi trẻ sẽ có một nhau thai và một túi ối riêng.

Song thai cùng trứng

Song sinh cùng trứng xảy ra khi một trứng đã được thụ tinh phân đôi và phát triển thành hai phôi riêng biệt. Trẻ song sinh cùng trứng có thể có chung nhau thai hoặc có hai nhau thai riêng biệt, nhưng mỗi phôi thường có túi ối riêng biệt. Trẻ song sinh cùng trứng có chung giới tính và có chung nhóm máu, màu tóc và màu mắt. Chúng thường trông rất giống nhau.

Song thai thường được chẩn đoán ở thời điểm nào?

Song thai thường được chẩn đoán khi tiến hành siêu âm thường quy trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Song thai có gây ra nhiều biến chứng hơn đơn thai hay không?

Nguy cơ của một số biến chứng sẽ gia tăng trong song thai. Những biến chứng liên quan đến song thai bao gồm lâm bồn sớm, sinh non, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ và các vấn đề về tăng trưởng. Một vài biến chứng có thể được dự phòng nếu được phát hiện và chăm sóc sớm.

Biến chứng thường gặp nhất của song thai ?

Biến chứng thường gặp nhất là lâm bồn sớm và sinh non. Lâm bồn sớm là hiện tượng lâm bồn xảy ra trước khi kết thúc tuần thai thứ 37. Nó có thể dẫn đến hiện tượng sinh non. Hơn một phần hai tất cả các trường hợp song sinh là sinh non.

Những vấn đề có thể gặp ở trẻ sinh non?

Trẻ sinh non thường gặp vấn đề về hô hấp và ăn uống. Trẻ thường cần được chăm sóc tại bệnh viện lâu hơn bình thường. Trẻ sinh cực non có thể chết hoặc có những biến chứng nặng nề về trí tuệ và thể chất. Các vấn đề cũng có thể xuất hiện trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Xem thêm bài viết  Những điều cần biết về trẻ sinh non của Phan Thị Ngọc Hà

Làm sao để tránh sinh non?

Đôi khi có thể tránh được sinh non nếu hiện tượng lâm bồn sớm được phát hiện kịp thời. Nếu bạn lâm bồn sớm, bạn có thể được cho dùng corticosteroid. Thuốc này có khả năng giúp phổi của bé trưởng thành. Trong vài trường hợp, một loại thuốc được gọi là thuốc giảm co có thể được dùng để làm giảm hoặc ngừng sự co thắt tử cung.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một rối loạn chỉ xảy ra trong thai kỳ. Nó thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Với các trường hợp song thai, tiền sản giật có thể xảy ra sớm hơn và thường nặng nề hơn.

Tiền sản giật có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và trẻ. Cách duy nhất để chữa tiền sản giật là sinh đứa trẻ, vì thế sẽ gây nên hiện tượng sinh non.

Xem thêm bài viết Tiền sản giật của TS.BS Phạm Nguyên Quý

Những vấn đề tăng trưởng nào thường gặp ở trẻ song sinh?

Trẻ song sinh thường nhỏ hơn những trẻ sinh đơn. Siêu âm thường được sử dụng trong suốt thai kỳ để kiểm tra sự phát triển của cả hai trẻ.

Song thai bất tương xứng là gì?

Hai trẻ song sinh được gọi là bất tương xứng nếu một trẻ nhỏ hơn hẳn trẻ còn lại. Trẻ song sinh bất tương xứng dễ gặp những biến chứng trong thai kỳ và sau khi sinh. Trẻ song sinh cùng trứng có thể bất tương xứng do các bất thường nhau thai hoặc do hội chứng truyền máu song thai (TMST).

Nguyên nhân của hội chứng truyền máu song thai là gì?

Truyền máu song thai (TMST) có thể xảy ra khi hai phôi cùng trứng có chung một nhau thai. Hội chứng này xảy ra khi máu cung cấp đến hai phôi thai trở nên mất cân đối. Một phôi có quá ít máu trong khi phôi còn lại được cung cấp quá nhiều máu. Tình trạng này có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho cả hai trẻ. Nếu không được chữa trị, cả hai trẻ đều có thể bị tử vong.

Truyền máu song thai có thể điều trị được hay không?

TMST có thể được chữa trong thai kỳ bằng cách trích bớt phần máu thừa bằng một chiếc kim hoặc thông qua can thiệp ngoại khoa lên nhau thai. Đôi lúc cần phải sinh sớm.

Xuất độ thường gặp của dị tật bẩm sinh trong song thai?

Xuất độ dị tật bẩm sinh trong song thai gia tăng gấp đôi so với bình thường bởi mỗi trẻ đều có khả năng bị dị tật bẩm sinh. Đồng thời, khả năng bị dị tật bẩm sinh cũng tăng theo tuổi của người mẹ.

Làm sao tôi nhận biết liệu con mình có dị tật bẩm sinh hay không ?

Nhân viên y tế có thể thực hiện một số xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện liệu con bạn có dị tật bẩm sinh nào đó hay không. Những xét nghiệm này bao gồm chọc ối và sinh thiết gai nhau.

Những gì tôi nên biết trước khi chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau?

Trước khi thực hiện một trong những xét nghiệm nêu trên, bạn nên biết rằng:

  • Mỗi phôi cần một mẫu kiểm tra riêng biệt.
  • Nguy cơ xảy ra biến chứng trong quá trình thực hiện thủ thuật sẽ tăng trong trường hợp mang thai nhiều hơn một trẻ.
  • Kết quả có thể cho thấy một trẻ bình thường trong khi trẻ còn lại mang dị tật.

Không những thế, những xét nghiệm này thường khó thực hiện ở những ca song thai.

Khả năng sinh mổ có gia tăng trong song thai hay không ?

Khả năng phải sinh mổ thường cao hơn ở những ca song thai. Trẻ song sinh thường được sinh thường nếu cả hai thai đều ở ngôi đầu. Cũng có thể sinh thường nếu đứa trẻ ở thấp hơn là ngôi đầu trong khi trẻ còn lại thì không phải.

Nếu sinh đôi, liệu tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ hay không?

Có thể việc cho cả hai trẻ bú bằng sữa mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt nếu cả hai trẻ đều sinh non, nhưng điều đó vẫn khả thi. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Nó có đầy đủ lượng chất dinh dưỡng cho đứa trẻ và sẽ thay đổi theo nhu cầu của đứa trẻ. Khi cho trẻ bú, lượng sữa của bạn sẽ tăng để phù hợp với nhu cầu của con bạn. Nếu trẻ sinh non, bạn có thể hút và giữ sữa của mình cho đến khi trẻ đủ khoẻ mạnh để bú.

Thuật ngữ liên quan đến song thai

  • Corticosteroid: một hóc-môn giúp phổi của bào thai phát triển toàn vẹn, hoặc để chữa viêm khớp cũng như một số bệnh khác.
  • Hội chứng truyền máu song thai (TMST): một hiện tượng xảy ra trong song thai cùng trứng khi mà máu từ một thai sẽ đổ sang thai còn lại thông qua nhau thai chung.
  • Sinh thiết gai nhau: thủ thuật lấy một mẫu mô ở nhau thai và đem thử nghiệm.
  • Nhau thai: mô cung cấp dưỡng chất và lấy đi chất thải cho bào thai.
  • Chọc ối: một thủ thuật dùng kim để hút và kiểm tra một lượng nhỏ nước ối cùng các tế bào trong dịch ối.
  • Phôi thai: trứng đã được thụ tinh phát triển tính đến tuần thứ 8 của thai kỳ.
  • Rụng trứng: sự phóng trứng ra khỏi buồng trứng.
  • Siêu âm: một xét nghiệm dùng sóng siêu âm để kiểm tra bào thai.
  • Song sinh cùng trứng: trẻ song sinh phát triển từ một trứng được thụ tinh, các trẻ này thường giống nhau về mặt di truyền, có thể có chung nhau thai và túi ối hoặc không.
  • Song sinh khác trứng: trẻ song sinh phát triển từ nhiều hơn một trứng được thụ tinh, chúng không hoàn toàn giống nhau về di truyền và mỗi bào thai có nhau thai và túi ối riêng.
  • Sinh mổ: sinh đứa trẻ bằng cách mổ lấy thai từ đường rạch ở bụng và tử cung.
  • Sinh non: sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
  • Sự thụ tinh: sự kết hợp của trứng và tinh trùng.
  • Tam cá nguyệt: khoảng thời gian ba tháng đầu, giữa hoặc cuối của một thai kỳ. Thai bất tương xứng: sự khác biệt lớn trong kích thước của những bào thai trong trường hợp mang nhiều hơn một thai.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm: một kĩ thuật dùng trứng lấy từ buồng trứng của người nữ, thụ tinh trong một đĩa chuyên dụng trong phòng thí nghiệm với tinh trùng của người đàn ông, và sau đó chuyển vào tử cung của người nữ.
  • Thuốc giảm co: thuốc sử dụng để làm giảm co thắt tử cung.
  • Tiền sản giật: một tình trạng xảy ra trong thai kỳ, gây cao huyết áp và đạm niệu.
  • Đái tháo đường thai kỳ: bệnh đái tháo đường xảy ra trong thai kỳ.
  • Tử cung: một tạng cơ nằm trong hố chậu của nữ, có khả năng chứa và nuôi dưỡng bào thai trong thai kỳ.
  • Túi ối: một túi chứa đầy dịch nằm trong tử cung của người phụ nữ, nơi mà bào thai phát triển.

Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản-phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq092.ashx

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *