Những điều ông bố cần biết về thai kỳ

Những điều ông bố cần biết về thai kỳ

Thai kỳ kéo dài bao lâu?

Thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần, tương đương với 9 tháng. 9 tháng của thai kỳ được chia ra làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 tháng, gọi là tam cá nguyệt (quý).

Ngày dự sinh là gì?

Ngày dự sinh được cung cấp bởi bác sĩ. Đây chỉ là một dự đoán về thời điểm đứa trẻ sẽ được sinh. Để tính ngày dự sinh, có thể sử dụng công thức đơn giản: lấy ngày hành kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối của vợ trừ đi 3 tháng, sau đó cộng thêm 7 ngày là có được ngày dự sinh.

Những thay đổi trong quý I

Trong quý I, đa số phụ nữ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Những phụ nữ trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể trải qua gia đoạn “ốm nghén“, có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Những cảm giác này thông thường xảy ra vào buổi sáng. Nó cũng có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào trong ngày.

Những thay đổi trong quý II

Đối với hầu hết phụ nữ, quý II của thai kỳ (tuần 14-28) là khoảng thời gian họ cảm thấy thoải mái nhất. Khi đó cơ thể người phụ nữ đã điều chỉnh để phù hợp với tình trạng mang thai. Người phụ nữ sẽ bắt đầu thấy khá hơn về mặt thể chất. Năng lượng được cải thiện, cảm giác ốm nghén thường biến mất.

Những thay đổi trong quý III

Trong quý III (tuần 28-40), người phụ nữ có thể cảm thấy không thoải mái khi thai phát triển lớn hơn và cơ thể của họ chuẩn bị sẵn sàng để sinh. Vợ bạn có thể khó ngủ hơn, khó khăn trong việc di chuyển và làm những công việc thường ngày.

Có thể quan hệ khi mang thai không?

Trừ khi bác sĩ khuyên không nên, bạn và vợ có thể quan hệ trong suốt 9 tháng. Đồng thời, có nhiều cách khác để gần gũi khi vợ đang mang thai. Âu yếm, hôn, mơn trớn, kích thích bằng tay và quan hệ bằng miệng có thể thay thế cho tới khi cả hai có thể quan hệ tình dục trở lại. Không thổi hơi vào âm đạo khi quan hệ bằng miệng, điều này có thể dẫn tới việc sẩy thai.

Xem thêm bài: Hỏi ngắn đáp nhanh cùng người sắp thành " Bố trẻ con" của Bác sĩ Lê Tiểu My

Tôi có được hút thuốc không?

Không nên hút thuốc khi ở gần vợ bởi vì chất hoá học từ khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ trước và sau khi sinh. Những đứa trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh hen suyễn cũng như bị hội chứng trẻ sơ sinh tử vong đột ngột.

Xem thêm bài viết Ba có thương con - thì đừng hút thuốc của BS. Lê Tiểu My

Tôi có nên tham gia vào buổi khám thai cùng vợ không?

Có thể giúp ích nếu bạn đi cùng vợ đến một vài buổi khám thai. Lần khám đầu tiên bạn và vợ có thể sẽ được hỏi về tiền sử sức khoẻ của bản thân và gia đình. Nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh nào đó lặp lại nhiều lần, bạn cũng có thể mang gen di truyền bệnh và bệnh này cũng có thể di truyền lên con bạn. Nếu bạn không đến được buổi khám thai đầu tiên, hãy đảm bảo rằng vợ bạn biết rõ tiền sử bệnh của bạn và gia đình bạn.

Những xét nghiệm vợ tôi phải tiến hành trong buổi khám thai đầu tiên?

Các xét nghiệm sẽ được tiến hành trong buổi khám đầu tiên:

  • Kiểm tra thể chất toàn diện với xét nghiệm máu và nước tiểu;
  • Kiểm tra vùng chậu, bao gồm khung chậu, tử cung, âm đạo, buồng trứng, vòi trứng, bọng đái (bàng quang), hậu môn;
  • Đo huyết áp, chiều cao, cân nặng.

Tất cả phụ nữ mang thai đều được xét nghiệm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và giang mai. Một số phụ nữ có thể được xét nghiệm định kỳ các bệnh lây lan qua đường tình dục khác.

Khi nào thì tiến hành siêu âm?

Hầu hết phụ nữ tiến hành siêu âm vào khoảng tuần thứ 18-20 của thai kỳ. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán tuổi thai và kiểm tra sự phát triển của trẻ. Nó còn có khả năng phát hiện giới tính đứa trẻ.

Những xét nghiệm nào khác sẽ được thực hiện trong những buổi khám thai tiếp theo?

Những xét nghiệm có thể được thực hiện trong những buổi khám thai tiếp theo:

  • Kiểm tra tim thai;
  • Đo huyết áp thai phụ;
  • Kiểm tra nước tiểu để phát hiện dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ;
  • Đo cân nặng;
  • Đo chiều cao của bào thai để biết sự phát triển của trẻ;
  • Kiểm tra vị trí của bào thai;
  • Tiến hành xét nghiệm đối với các dị tật bẩm sinh;
  • Xét nghiệm máu cho dấu hiệu bị đái tháo đường thai kỳ;
  • Xét nghiệm tìm Streptococcus nhóm B (vi khuẩn gây nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn não ở trẻ sơ sinh).

Những điều tôi có thể chuẩn bị khi vợ tôi chuyển dạ và trong lúc sinh?

Bạn có thể hỗ trợ chuẩn bị cho việc sinh nở bằng cách

  • Tham gia các lớp học về sinh sản;
  • Tham quan khoa sản của bệnh viện;
  • Tìm hiểu về phương tiện di chuyển của bé: ghế sơ sinh cho trẻ, cách đảm bảo an toàn cho trẻ khi di chuyển…

Những điều tôi có thể mong đợi khi vợ chuyển dạ?

Dấu hiệu chuyển dạ có thể diễn ra trong 3 giai đoạn. Nó có thể kéo dài 10 giờ đến 20 giờ. Nếu cần phải cấp cứu khi vợ bạn đang chuyển dạ hoặc lúc sinh, bạn được yêu cầu phải ra khỏi phòng sinh. Mặc dù lúc đó sẽ không có thời gian để giải thích cho bạn, sau đó sẽ có người giải thích lý do cho bạn.

Làm sao giúp khi vợ chuyển dạ và trong lúc sinh?

Mặc dù vợ của bạn mới là người thực hiện việc sinh đẻ, bạn cũng có thể làm rất nhiều việc để hỗ trợ khi vợ chuyển dạ hay trong phòng sinh:

  • Giúp làm phân tâm vợ trong giai đoạn đầu của sự chuyển dạ;
  • Trừ trường hợp vợ bạn đã được căn dặn phải ở trên giường, bạn có thể cùng vợ đi dạo;
  • Theo dõi thời gian co thắt của tử cung;
  • Đề nghị xoa bóp lưng, vai vợ bạn giữa các cơn co thắt;
  • Giúp vợ bằng kỹ thuật thư giãn bạn có thể học được trong lớp chuẩn bị trước sinh;
  • Động viên vợ trong giai đoạn rặn đẻ.

Vợ tôi sẽ phải trải qua những thay đổi gì trong giai đoạn sau sinh?

Giai đoạn sau sinh là 6 tuần đầu sau sinh. Hầu hết phụ nữ cảm thấy mệt và đau rát từ vài ngày đến vài tuần sau sinh. Phụ nữ sinh mổ sẽ có thời gian bình phục lâu hơn. Đồng thời, có một đứa trẻ trong nhà có thể sẽ khá căng thẳng. Bạn và vợ, cũng như tất cả những đứa con bạn đã có, cần điều chỉnh lối sống cho phù hợp với thay đổi này.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Phụ nữ thường cảm thấy buồn, chán, lo lắng sau khi sinh. Một vài phụ nữ sẽ có cảm giác buồn, gọi là buồn sau sinh hay là buồn trẻ em. Khi những cảm giác này trở nên nặng và kéo dài hơn một tuần hoặc hai tuần, đó có thể là những triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn, gọi là trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra vài tuần sau sinh. Những phụ nữ từng bị trầm cảm có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn bình thường.

Triệu chứng của trầm cảm sau sinh?

Một bà mẹ có thể bị – hoặc đã bị – trầm cảm sau sinh nếu người phụ nữ ấy có bất kỳ trong các triệu chứng sau:

  • Chứng buồn sau sinh không thuyên giảm sau khoảng 1 tuần, hoặc là cảm giác buồn trở nên nặng nề hơn.
  • Người phụ nữ cảm thấy buồn, nghi hoặc, tội lỗi hay vô dụng ngày càng nặng nề và những cảm giác đó ảnh hưởng đến hoạt động sống bình thường.
  • Người phụ nữ không có khả năng chăm sóc cho con mình hay bản thân mình.
  • Người phụ nữ gặp khó khăn khi làm những công việc ở nhà cũng như ở chỗ làm.
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn.
  • Những thứ từng mang lại sự thoải mái cho người phụ nữ không còn tác dụng nữa.
  • Lo lắng và quan tâm cho đứa trẻ ngày càng mãnh liệt hoặc không còn yêu thích với trẻ.
  • Lên cơn lo lắng hay hoảng loạn. Người phụ nữ cảm thấy sợ khi phải ở một mình cùng đứa trẻ.
  • Người phụ nữ mang nỗi sợ sẽ làm đau trẻ.
  • Người phụ nữ có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc tự tử.
Xem thêm bài viết Trầm cảm sau sanh và vai trò của người chồng của BS. Lê Tiểu My

Làm cách nào để kết nối với bé khi trẻ đang bú mẹ?

Một vài người bố cảm thấy như người ngoài cuộc khi nhìn mẹ cho con bú. Nếu vợ bạn chọn việc cho con bú bằng sữa mẹ, bạn có thể làm những việc sau:

  • Bế trẻ đến mẹ để mẹ cho bú;
  • Giúp trẻ ợ và thay đồ cho trẻ sau khi bú;
  • Âu yếm và ru trẻ ngủ;
  • Giúp cho trẻ bú nếu vợ bạn hút sữa cho vào bình.

Khi nào thì quan hệ được sau khi vợ đã hạ sinh?

Không có một khoảng thời gian chờ đợi nhất định trước khi người phụ nữ có thể quan hệ tình dục lại sau khi sinh. Một vài bác sĩ khuyên nên đợi 4-8 tuần. Nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng thường nhỏ vào khoảng 2 tuần sau sinh. Nếu vợ bạn phải cắt tầng sinh môn hoặc xuất hiện vết rách khi sinh, vùng đó sẽ bị rát lâu hơn 1 tuần và có thể người phụ nữ sẽ được nhắc nhở kiêng cữ tình dục trong một khoảng thời gian.

Giải thích thuật ngữ

  • Cắt tầng sinh môn: rạch một đường vào đáy chậu (vùng giữa hậu môn và âm đạo) để mở rộng âm đạo khi sinh.
  • Gen: Một đoạn của AND mang thông tin di truyền cho một tính trạng nào đó, như màu tóc và mắt.
  • Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường xuất hiện trong giai đoạn mang thai.
  • Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV): là một loại virus tấn công những tế bào đặc hiệu của hệ miễn dịch và gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: những bệnh có khả năng lây lan khi quan hệ tình dục, bao gồm chlamydia, lậu, nhiễm virus papilloma ở người, mụn giộp, giang mai, và nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)).
  • Bệnh giang mai: một bệnh lây truyền qua đường tình dục gây nên bởi sinh khuẩn mang tên Treponema pallidum, nó gây nên nhiều biến chứng hoặc thậm chí tử vong ở giai đoạn cuối.
  • Tam cá nguyệt: khoảng thời gian 3 tháng mà chu kỳ thai có thể được phân chia ra.
  • Siêu âm: xét nghiệm dùng sóng âm để khám phá những tạng trong cơ thể. Đối với người mang thai, nó có thể được sử dụng để kiểm tra bào thai.
  • Tử cung: một tạng cơ nằm trong hố chậu của nữ, có khả năng chứa và nuôi dưỡng bào thai trong thai kỳ.

Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản-phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq032.pdf?dmc=1&ts=20140909T0210013456

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *