Những câu hỏi thường gặp khi thai phụ nhiễm HIV

Những câu hỏi thường gặp khi thai phụ nhiễm HIV

HIV là gì?

Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là loại vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

HIV xâm nhập vào cơ thể bằng đường nào?

HIV xâm nhập vào đường máu thông qua dịch cơ thể như máu hoặc tinh dịch. Một khi đã xâm nhập vào máu, vi-rút này tấn công các tế bào CD4. Tế bào CD4 là tế bào quan trọng của hệ miễn dịch. Một khi các tế bào này bị phá hủy thì khả năng chống bệnh tật của cơ thể giảm đi.

AIDS xảy ra khi nào?

AIDS bắt đầu khi lượng tế bào CD4 giảm xuống đến một mức độ nhất định. Khi đó, cơ thể sẽ mắc các bệnh mà thông thường hệ miễn dịch có thể chống lại được. Các bệnh này bao gồm: viêm phổi, một số loại ung thư và nhiễm trùng.

Thời gian từ khi bị nhiễm HIV cho đến khi biểu hiện AIDS là bao lâu?

Có thể mất hàng tháng cho đến hàng năm từ khi bị nhiễm HIV cho đến khi biểu hiện AIDS. Trừ phi làm xét nghiệm, một người có thể không biết là mình bị nhiễm HIV cho đến khi bắt đầu đổ bệnh.

HIV chữa được không?

Có thể kiểm soát HIV nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc dùng thuốc chống HIV có thể giúp người mang vi-rút sống khỏe mạnh lâu hơn và giảm khả năng truyền vi-rút sang cho người khác. Không có vaccin chống HIV.

Nếu thai phụ bị nhiễm HIV thì có truyền sang cho con không?

HIV có thể truyền từ mẹ sang con bằng các đường sau:

  • Trong thời gian mang thai, HIV có thể truyền từ mẹ sang con thông qua nhau thai.
  • Trong quá trình sinh, bé có thể bị nhiễm do tiếp xúc với máu và các dịch khác của mẹ. Khi túi nước ối vỡ thì khả năng truyền vi-rút từ mẹ sang con cũng tăng. Phần lớn bé bị nhiễm HIV từ mẹ là trong quá trình sinh.
  • Sữa mẹ cũng có thể truyền vi-rút sang cho bé.

Làm thế nào để giảm khả năng truyền HIV từ mẹ sang con?

Nên hỏi bác sĩ để quyết định các biện pháp làm giảm khả năng truyền HIV từ mẹ sang con. Có các biện pháp sau:

  • Dùng thuốc chống HIV trong quá trình mang thai
  • Nếu nồng độ HIV cao thì quyết định sinh mổ
  • Dùng thuốc chống HIV trong quá trình chuyển dạ và khi sinh nếu cần
  • Cho bé uống thuốc chống HIV sau khi sinh
  • Không cho bé bú sữa mẹ

Sử dụng các biện pháp này, 99% người mẹ mang HIV sẽ không truyền HIV sang con.

Tại sao nên chữa trị HIV trong quá trình mang thai?

Chữa trị HIV trong quá trình mang thai gồm có 2 mục đích:

  • Để bảo vệ sức khỏe của chính người mẹ
  • Để tránh truyền HIV sang cho con.

Nhiều thuốc được sử dụng cùng một lúc để điều trị HIV, được gọi là “dùng thuốc theo phác đồ”. Thuốc chống HIV được dùng để làm giảm lượng vi-rút có trong cơ thể.

Các thuốc HIV có tác dụng phụ không?

Các thuốc trị HIV có thể có tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thông thường bao gồm: buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu và đau cơ. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm: thiếu máu, tổn thương gan và một số bệnh về xương như loãng xương. Mặc dù rất ít gặp, nhưng các thuốc trị HIV có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên nếu không dùng thuốc thì khả năng truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng lên rất nhiều.

Xem thêm bài viết Bài 27 - Làm gì khi phát hiện nhiễm HIV khi có thai của BS. Lê Tiểu My

Tải lượng vi-rút là gì?

Tải lượng vi-rút là lượng vi-rút có trong cơ thể.

Tại sao phải theo dõi tải lượng vi-rút và số lượng tế bào CD4 trong cơ thể?

Tải lượng vi-rút cao cùng với lượng tế bào CD4 thấp đồng nghĩa với việc khả năng truyền HIV từ mẹ sang con cao và khả năng người mẹ bắt đầu đổ bệnh cao. Tuy nhiên ngay cả khi tải lượng vi-rút thấp thì vẫn có khả năng truyền HIV từ mẹ sang con.

Có nên sử dụng bao cao su ngay cả khi đang mang thai?

Nếu bạn tình hoặc chồng cũng bị nhiễm HIV, việc sử dụng bao cao su có thể giúp cả hai người tránh bị thêm các nhiễm trùng khác. Nếu bạn tình hoặc chồng không bị nhiễm HIV thì ngoài việc sử dụng bao cao su, nên dùng thêm các thuốc khác để làm giảm khả năng lây nhiễm.

Thai phụ nhiễm HIV và sinh mổ thì có thêm các nguy cơ nào khác?

Thai phụ dương tính với HIV có thể sẽ gặp thêm một số nguy cơ khi sinh mổ. Phụ nữ với lượng tế bào CD4 thấp có hệ thống miễn dịch yếu hơn người thường, vì thế khả năng viêm nhiễm sau phẫu thuật sẽ cao hơn. Vết mổ có thể mất nhiều thời gian hơn để lành. Thuốc chống viêm sẽ được chỉ định trong quá trình sinh mổ.

Sau khi sinh, làm thế nào để biết là bé có bị nhiễm HIV hay không?

Nếu người mẹ dương tính với HIV thì bé sẽ được làm xét nghiệm với HIV vài lần trong vài tháng đầu. Xét nghiệm sẽ kiểm tra xem trong máu bé có chứa vi-rút hay không. Nếu hai trong số những xét nghiệm này dương tính thì có nghĩa là bé đã bị nhiễm HIV. Nếu hai trong số những xét nghiệm này âm tính thì có nghĩa là bé không bị nhiễm. Khi bé được 12-18 tháng thì sẽ làm xét nghiệm một lần nữa.

Giải thích thuật ngữ

Bệnh loãng xương: là trường hợp khi xương trở nên yếu và dễ gãy.

Hệ miễn dịch: là hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các vật thể lạ và các sinh vật lạ xâm nhập cơ thể như vi trùng gây bệnh.

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS): là một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng, thường là nhiễm trùng nặng, xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị phá hoại do nhiễm vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV).

Nhau thai: là cơ quan nuôi dưỡng thai nhi và giúp loại bỏ chất thải từ thai nhi.

Sinh mổ: là quá trình sinh bằng cách mổ bụng và tử cung của người mẹ.

Thai nhi: là bào thai phát triển trong tử cung, được định nghĩa từ tuần thứ 9 đến khi sinh.

Thiếu máu: là trường hợp lượng máu hoặc số lượng tế bào máu thấp bất thường. Nguyên nhân thông thường nhất là do thiếu sắt.

Túi nước ối: là túi chứa dịch trong tử cung người mẹ, nơi thai nhi phát triển.

Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV): là loại vi-rút tấn công các tế bào nhất định của hệ thống miễn dịch và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Chú ý

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào trạng thái của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq113.pdf?dmc=1&ts=20140907T1040238494

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *