Làm gì khi thai quá ngày dự sinh?

Làm gì khi thai quá ngày dự sinh?

Ngày sinh dự kiến là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?

Ngày sinh dự kiến của bạn được xem như một chỉ dẫn để kiểm tra sự tiến triển của thai kỳ cũng như sự tăng trưởng và tuổi của thai nhi. Bác sĩ thường sử dụng nhiều phương pháp để xác định ngày sinh dự kiến.

Thế nào là thai quá ngày?

Đó là thai kỳ kéo dài đến 42 tuần hoặc hơn. Những phụ nữ mang thai lần đầu hoặc đã từng mang thai quá ngày trước đó có thể sẽ sinh muộn hơn dự kiến. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất của thai quá ngày là do sai sót trong việc tính toán ngày sinh dự kiến. Trong trường hợp có thai quá ngày thực sự, nguyên nhân thường không xác định được.

Những nguy cơ nào liên quan đến thai quá ngày?

Sau 42 tuần, nhau thai không còn thực hiện chức năng tốt như thời gian đầu của thai kỳ. Ngoài ra, khi thai nhi phát triển, lượng dịch ối cũng bắt đầu giảm. Lượng dịch ít có thể làm cho dây rốn bị đè ép khi thai nhi cử động hay khi tử cung co thắt.

Nếu thai kỳ vượt quá 42 tuần, đứa trẻ có thể có nguy cơ tăng với một số vấn đề nhất định, như hội chứng loạn trưởng thành, chứng khổng lồ hay hít phân su. Bên cạnh đó, khả năng phải mổ lấy thai cũng cao hơn.

Làm gì khi thai quá ngày dự sinh?

Hình minh họa: Mang thai quá ngày sinh dự kiến (Nguồn ảnh: www.nhs.uk)

Những xét nghiệm nào có thể được thực hiện trong trường hợp thai quá ngày?

Khi một đứa trẻ chưa được sinh ra vào ngày sinh dự kiến, cần thực hiện các xét nghiệm để giúp cho bác sĩ kiểm tra sức khỏe của thai nhi. Một vài xét nghiệm, như đếm số lần thai máy, có thể tự thực hiện tại nhà. Đếm số lần thai máy là sự ghi lại tần suất bạn cảm nhận được đứa bé cử động.

Những xét nghiệm khác được thực hiện ở phòng khám của bác sĩ hoặc ở bệnh viện. Những xét nghiệm này liên quan đến việc theo dõi tim thai bằng băng ghi điện tử (fetal monitoring) và bao gồm thử nghiệm không áp lực (non stress test), đo chỉ số sinh lý học (biophysical profille) và thử nghiệm có cơn co tử cung (stress test).

Xem thêm bài: "Bài 46 - Những điều cần biết khi thai quá ngày dự sanh" của Bác sĩ Lê Tiểu My

Thế nào là theo dõi tim thai bằng thiết bị điện tử (Electronic fetal monitoring) ?

Kỹ thuật theo dõi tim thai bằng băng ghi điện tử sử dụng 2 đầu ghi đặt quanh ổ bụng của người mẹ để giữ các dụng cụ giúp đo nhịp tim thai nhi và sức co bóp của tử cung. Phương pháp này được sử dụng để tiến hành các xét nghiệm sau về mức độ khỏe mạnh của bào thai:

  • Thử nghiệm không áp lực (non stress test) – Người mẹ nhấn vào nút mỗi khi cảm thấy đứa bé đang cử động. Điều này sẽ tạo nên một điểm đánh dấu trên giấy ghi nhịp tim.
  • Đo chỉ số sinh lý học (biophysical profile) – Thử nghiệm này kết hợp kết quả của theo dõi tim thai bằng băng ghi điện tử và siêu âm. Cách này sẽ giúp kiểm tra nhịp tim của trẻ (dựa vào thử nghiệm không áp lực) và đánh giá lượng dịch ối. Sự hít thở, chuyển động và trương lực cơ của trẻ cũng được kiểm tra.
  • Thử nghiệm có cơn co tử cung (stress test) – Nhịp tim của trẻ được đo khi tử cung của người mẹ có sự co bóp. Sự co bóp được thực hiện và những thay đổi về nhịp tim của thai nhi được ghi nhận.

Thế nào là khởi phát chuyển dạ?

Khởi phát chuyển dạ là việc sử dụng thuốc hoặc các phương pháp khác để đưa đến sự chuyển dạ. Chuyển dạ được khởi phát để làm cho cổ tử cung người phụ nữ mở ra và chuẩn bị cho việc sinh qua đường âm đạo. Hầu hết các bác sĩ đợi khoảng 1-2 tuần sau ngày sinh dự kiến mới cân nhắc việc khởi phát chuyển dạ.

Khởi phát chuyển dạ được thực hiện như thế nào?

Các phương pháp được sử dụng để khởi phát chuyển dạ bao gồm:

  • Làm mềm hay làm giãn cổ tử cung – Prostaglandin có thể được sử dụng để làm mềm cổ tử cung và làm cho tử cung co bóp. Những thiết bị đặc biệt có thể được sử dụng để làm giãn rộng cổ tử cung.
  • Bóc tách màng ối – Bác sĩ sẽ quét một ngón tay qua để tách lớp màng mỏng liên kết túi ối vào thành tử cung của bạn. Người phụ nữ được thực hiện thủ thuật này sẽ tăng khả năng co bóp và có thể chuyển dạ trong vòng 48 giờ.
  • Bấm ối – Bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên túi ối để làm thoát dịch ối (“breaking the water”). Hầu hết phụ nữ sẽ bắt đầu chuyển dạ trong vài giờ sau khi vỡ ối.
  • Sử dụng oxytocin – Hormone này được đưa vào theo đường tĩnh mạch trên cánh tay, sẽ làm cho tử cung co thắt.

Giải thích thuật ngữ

  • Dịch ối: Nước trong túi bao quanh bào thai ở trong tử cung của người mẹ.
  • Mổ lấy thai: Một đứa trẻ sinh ra qua đường mổ ở bụng và tử cung người mẹ.
  • Hội chứng rối loạn trưởng thành: Một tình trạng trong đó bào thai được nuôi dưỡng kém. Đứa trẻ sinh ra với một cơ thể dài và gầy còm, vẻ mặt hoảng hốt, nhiều tóc, móng tay dài và làn da mỏng nhăn nheo.
  • Chứng thai to: Một tình trạng trong đó bào thai phát triển rất lớn.
  • Hít phân su: Một tình trạng trong đó đứa trẻ hít phải một chất màu xanh hình thành trong đường ruột của bào thai đang phát triển. Điều này làm cản trở đường thở và làm cho trẻ thở hổn hển.
  • Nhau thai: Mô đảm nhiệm việc nuôi dưỡng và lấy đi chất thải từ bào thai.
  • Prostaglandins: Chất hóa học được cơ thể sản sinh ra, có nhiều tác dụng, bao gồm làm cho cơ của tử cung co bóp, thường gây nên cơn đau quặn.
  • Siêu âm: Một xét nghiệm trong đó sóng âm được sử dụng để kiểm tra bào thai.
  • Dây rốn: Một cấu trúc dạng dây chứa mạch máu liên kết bào thai và nhau thai.
  • Tử cung: Một cơ quan dạng cơ, nằm ở vùng chậu của người phụ nữ, giúp mang và nuôi dưỡng bào thai trong khi mang thai.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq069.pdf?dmc=1&ts=20140910T2330245540

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *