Bài 36 – Bác sĩ ơi, tại sao, thế nào, khi nào?…

Bài 36 – Bác sĩ ơi, tại sao, thế nào, khi nào?…

Các dấu hiệu của mới có thai là gì?

Hay gặp nhất là trễ kinh. Ngoài ra còn có thể gặp các dấu hiệu như: mệt mỏi, căng ngực, mắc tiểu liên tục, nôn-buồn nôn (không phải luôn gặp khi có thai).

Muốn chắc hơn, bạn mua que thử thai và làm theo hướng dẫn. Chắc chắn nhất cho câu hỏi “có thai hay không?” là xét nghiệm máu (gọi là xét nghiệm beta hCG). Xét nghiệm này có thể thực hiện sớm nhất 8-11 ngày sau ngày thụ thai.

Xem thêm bài Có thể bạn đang có thai? của BS. Lê Tiểu My

Sau khi thụ thai bao lâu thì trứng làm tổ?

Phôi thai vào tử cung khoảng 4-7 ngày sau thụ tinh – trung bình khoảng 5-6 ngày. Xác định ngày này cũng khá quan trọng, ví dụ trong trường hợp mẹ có dùng thuốc thì trước ngày này khả năng ảnh hưởng thai sẽ ít hơn.

Đau lâm râm bụng dưới khi có thai có bình thường không?

Khi mới có thai, bạn có thể cảm thấy đau lâm râm vùng bụng dưới. Điều này có thể bình thường do tử cung bạn lớn dần lên, hay trong trường hợp bạn có sử dụng progesterone – một loại nội tiết dưỡng thai (đặt âm đạo). Nếu đau bụng càng lúc càng tăng kèm theo ra huyết, bạn cần đi khám ngay vì lúc đó đau bụng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, sẩy thai hay thai lưu.

Một số dấu hiệu khác cũng thường hay gặp khi có thai là: mắc tiểu – đi tiểu nhiều hơn, thay đổi thói quen đi tiêu, thở ngắn, tim đập nhanh, phù chân… Tốt nhất nên hỏi bác sĩ theo dõi thai của mình nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường hay lo lắng nào để được tư vấn thích hợp.

Tại sao có thai lại mệt?

Câu này dễ mà khó! Nhiều chị bầu than mệt mỏi, buồn ngủ hoài dù không vất vả gì hết. Mệt là đúng rồi, cơ thể làm việc nhiều hơn từ hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa, nghĩa là máu trong cơ thể nhiều hơn, thận lọc nhiều dịch hơn, nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng để nuôi em bé, nội tiết tố trong cơ thể đồng loạt thay đổi, mang vác cái bụng to gồm em bé, dịch ối…Chưa kể nghén làm nôn ói, ăn uống không bình thường…Đọc đến đây là thấy đủ mệt rồi!

Khi nào thì mẹ cảm nhận được thai máy (thai đạp, cử động thai)?

Hầu hết các bà mẹ sẽ cảm nhận được cử động của bé quanh thời điểm 18-20 tuần. Mẹ mang thai lần đầu sẽ cảm nhận muộn hơn, nếu đã có “kinh nghiệm” (mang thai lần 2, 3) có thể cảm nhận sớm hơn, khoảng 15-16 tuần. Để cảm nhận, mẹ có thể nằm yên, lắng nghe cảm giác cử động nhẹ nhẹ ở bụng. Khi bé lớn dần, cử động có lực hơn, mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn. Một số trường hợp cản trở mẹ cảm nhận cử động: thành bụng dày, bánh nhau mặt trước, mang thai lần đầu, hoặc thậm chí là bản thân bé ít cử động hơn mấy em bé khác.

Những thay đổi nào ở vú được xem là bình thường khi có thai?

Vú căng hơn, to hơn, hơi đau nhẹ, đầu vú sẫm màu hơn, cuối thai kỳ có thể có dịch vàng như sữa. nếu thấy sưng, đau tức, đỏ một vùng vú…bạn cần đi khám ngay.

Tiết sữa non khi có thai có bình thường không?

Sữa non là “sản phẩm” của nhiều thành tố: prolactin, progesterone, lactogen của bánh nhau…Ba tháng đầu thai kỳ ít gặp, hay thấy xảy ra ở 3 tháng cuối. Nhiều chị bầu lo sợ tiết sữa non sớm sau sanh sẽ bị ít sữa, điều này không đúng. Nếu cho bé bú mẹ đúng cách, không quá căng thẳng, hầu hết sữa sẽ đủ cho bé tăng trưởng và phát triển.

Tại sao phụ nữ bị tăng sắc tố da khi mang thai?

Những vùng da sậm màu xuất hiện trong thai kỳ liên quan đến một loại nội tiết kích thích melanin. Một số tài liệu giải thích do tăng progesrerone và estrogen (cũng là những nội tiết tố). Những vùng da hay bị thay đổi màu sắc (sậm màu hơn) là đầu vú, nách, bụng…và hay gặp là lằn nâu dài ở bụng.

Vì liên quan đến nội tiết khi có thai nên hầu hết sẽ giảm sau khi sanh. Để hạn chế những vùng nhạy cảm như ở mặt, bạn cần hạn chế vùng da tiếp xúc nắng gắt (11 giờ trưa đến 4 giờ chiều). Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm điều trị không phải chỉ định của bác sĩ.

Cảm giác tim đập nhanh khi có thai có bình thường không?

Khi có thai, thể tích máu trong cơ thể mẹ có thể tăng 30-50%, điều này song hành với việc nhịp tim tăng 10-20 nhịp/phút. Sự thay đổi này cao nhất khi thai khoảng 20-24 tuần, và trở về bình thường khoảng 6 tuần sau sinh.

Vì hệ tim mạch hoạt động tăng lên nhiều như vậy, đôi khi bạn cảm thấy tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp. Nếu chỉ thoáng qua và không kèm đau đầu, khó thở thì không đáng ngại.

Nếu cảm thấy nhức đầu, khó thở, mắt nhìn không rõ…bạn nên đến bệnh viện khám ngay để bác sĩ kiểm tra cho bạn. Những dấu hiệu này liên quan đến một bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, đó là tiền sản giật.

Rụng tóc khi có thai có bình thường không?

Tóc cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể, đều chịu nhiều thay đổi khi mang thai. Bạn dễ bị gàu hơn, và thấy rụng tóc nhiều. Nếu tóc rụng khoảng 60-100 sợi mỗi ngày cũng được xem là bình thường, nếu >40% tóc (gần nửa tóc trên đầu) bạn cần đi khám. Tình trạng này có thể kéo dài 1-5 tháng sau sinh, và có khi hơn 1 năm sau mới phục hồi. Tiếc là cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả.

Khi mang thai nên ăn hay không được ăn những thức ăn nào?

Phần này mình đã có bài viết riêng – đầy đủ. Tóm tắt lại là:

  • Thức ăn cần nấu chín.
  • Không ăn trứng sống, thịt sống (sushi, bánh tiramisu có thể có trứng sống), thịt tái (steak cần làm chín kỹ).
  • Rửa sạch tất cả các loại rau, củ, trái cây (loại bỏ chất bảo quản, vi khuẩn, nấm…không thấy được bằng mắt).
  • Hạn chế cà phê (<200mg caffein/ngày, khoảng 2 ly 350mL).
  • Về các loại cá: bản thân cá thì không có hại, người ta chỉ lo ngại lượng thuỷ ngân có trong cá (do ô nhiễm nước). Những loại cá da trơn, cá hồi (nấu chín), tôm thường ít bị nhiễm. Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ cũng có bài cảnh báo về các loại cá không nên ăn khi có thai, bao gồm: cá mập, king mackerel (mình thấy dịch là cá thu vua nhưng cũng không hiểu biết nhiều về cá nên giữ nguyên), cá đao, cá kình (may quá, ở Việt Nam mình ít nghe ăn mấy loại này).

Chỉ nhắc thêm là đừng nên suy nghĩ “ăn gấp đôi”. Tại sao thì giải thích nhiều lắm rồi!

Tại sao có thai nên đi khám răng?

Chăm sóc răng miệng là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ mang thai. Nướu dễ chảy máu, đau nhức răng…cũng hay gặp. Thêm nữa, khi bị nghén nhiều, nôn ói nhiều cũng có thể ảnh hưởng men răng (do acid trong dịch vị). Vì vậy, sau nôn, bạn nên súc miệng thật sạch bằng nước, nếu nôn nhiều có thể pha baking soda (bán rất nhiều trong siêu thị) để trung hoà acid, bảo vệ răng.

Khi bị đau nhức răng, bạn cần đến bác sĩ Nha khoa để được khám và điều trị. Bạn nhớ thông báo cho bác sĩ rằng mình đang có thai để được chỉ định các loại thuốc an toàn.

Tại sao có thai hay bị đau lưng và điều trị như thế nào?

Hơn 50% thai phụ than phiền vì đau nhức lưng khi có thai. Việc đau nhức này gây khó chịu, nhất là về đêm, nhiều khi đau không ngủ được. Tử cung to, căng cơ…đều góp phần gây đau.

Để giảm đau, ban đầu có thể chườm (nóng hay lạnh tuỳ thích), massage, mang giày thấp, êm chân để thuận tiện di chuyển. Nếu đau nhiều ảnh hưởng sinh hoạt có thể dùng giảm đau paracetamol.

Hiện nay có nhiều sản phẩm hỗ trợ thú vị như gối ngủ cho bà bầu, đai bụng…nếu không tìm mua được thì cách đơn giản là khi ngủ, bạn ôm một cái gối to, mềm giữa hai chân, thêm một cái gối thật mềm đỡ dưới bụng.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1392229740873606
  2. https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1392885550808025

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *