Bài 20 – Câu chuyện của cái sẹo mổ lấy thai

Bài 20 – Câu chuyện của cái sẹo mổ lấy thai

Một ngày, tôi chỉ cho con cái sẹo trên bụng, cái sẹo mổ cách đây mấy năm. Và câu chuyện bắt đầu…

Ngày không xưa lắm, con nằm trong bụng mẹ. Một hôm, con chòi đạp đòi gặp mẹ, thế là bác sĩ rạch bụng mẹ, ẳm con ra, rồi may bụng mẹ lại.

Thiệt, câu chuyện với tôi chẳng hay tí nào. Bởi tận bây giờ tôi còn chưa hết “ăn năn” vì ánh mắt ngạc nhiên của con, hình như nó sợ. Nó hỏi “rồi mẹ có đau không?”. Muôn vàn lần, nếu thay đổi được câu chuyện, tôi sẽ phủi bay biến trách nhiệm của mình một cách thần kỳ hơn “là con cò màu trắng mang con đến bên mẹ cùng một giỏ mây xanh êm ái”.

Tôi sẽ kể câu chuyện một cách bài bản, cho những người sắp phải kể câu chuyện như tôi, trong vài năm sắp tới.

Khi nào tôi phải sanh mổ (mổ lấy thai)?

Khi đang chuyển dạ, tự nhiên giảm dần và ngưng chuyển dạ. Có khoảng 1/3 bà mẹ mổ lấy thai vì nguyên nhân này (số liệu của Mỹ, Việt Nam chắc khác chút xíu). Chuyển dạ là quá trình co thắt tử cung, cổ tử cung mở ra và bé được sanh ra ngả âm đạo. Cơn co chuyển dạ tự nhiên giảm dần, thưa dần, hay cổ tử cung không “chịu” mở, bác sĩ đành phải mổ chứ không thể để như vậy hoài.

Tim thai bất thường khi đang trong chuyển dạ. Điều này có nghĩa là chuyển dạ quá stress với con, chọn cách khác để chào đời thôi!

Vấn đề của dây rốn: dây rốn quá ngắn, quấn quanh cổ nhiều vòng, mỗi lần co thắt tử cung là bị chèn ép làm bé thiếu oxy.

Trong nhiều trường hợp khác, việc mổ lấy thai được sắp xếp trước. Chẳng hạn:

  • Bạn từng mổ lấy thai trước đây: không hẳn là 100% những bà mẹ từng đã mổ lấy thai có khuynh hướng chọn cách này. Về mặt chuyên môn, nếu nguyên nhân phải mổ cho lần trước không tồn tại, và không có vấn đề gì khác, bạn vẫn có khả năng sanh ngả âm đạo cho lần mang thai tiếp theo này.
  • Bạn có hơn 1 bé trong bụng: đặc biệt là bé anh (hay bé chị) không chịu quay đầu mà đưa cái mông hay cái chân xuống dưới. Khả năng mổ lấy thai càng nhiều hơn nếu song thai sau điều trị hiếm muộn.
  • Em bé quá to (nguyên nhân này chắc dễ hiểu nhất).
  • Em bé ngôi mông (dân gian hay gọi ngôi ngược), ngôi ngang (nằm ngang trong bụng mẹ), mổ lấy thai sẽ an toàn hơn.
  • Vấn đề từ bánh nhau: nhau tiền đạo – vị trí bánh nhau nằm chắn ngay đường ra của thai.
  • Mẹ mắc bệnh lý không thể sanh ngả âm đạo: ví dụ như Herpes sinh dục ngay lúc chuyển dạ, khung chậu mẹ quá hẹp…

Bạn yêu cầu: tôi không ủng hộ, cũng không phản bác hoàn toàn nguyên do này. Mang thai là cả một quá trình dài, bạn cần phải có ký ức đẹp về giai đoạn này thì thời kỳ hậu sản và cả giai đoạn sau này của cuộc sống sẽ bớt nặng nề. Bởi vì, nhiều chị sanh xong bị ám ảnh và sợ hãi do đau đớn, do tổn thương hoặc tai biến sau sanh mà không được tư vấn trước. Chỉ cần có đủ thông tin, có đủ kiến thức cơ bản, bạn sẽ có khả năng quyết định nguyện vọng của mình trong cuộc vượt cạn.

Xem thêm bài Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ của BS. Phạm Thanh Hoàng

Điều gì xảy ra trong suốt cuộc mổ lấy thai?

Câu chuyện của cái sẹo mổ lấy thai

Một vài bước chuẩn bị: bạn sẽ được tư vấn nhịn ăn, uống trong khoảng thời gian thích hợp; được khám toàn diện trước mổ. Trước khi mổ khoảng 1 giờ, bạn sẽ được thay đổi trang phục của bệnh viện, được cho thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.

Vô cảm (tức làm bạn không thấy đau khi mổ). Bác sĩ gây mê sẽ sử dụng thuốc làm bạn không thấy đau, hoặc một vài trường hợp sẽ làm cho bạn ngủ mê luôn. Hiện nay, phổ biến nhất là gây tê tuỷ sống (bác sĩ tiêm thuốc vào vùng lưng của bạn), bạn vẫn biết, vẫn tỉnh khi bác sĩ mổ, nhưng không thấy đau. Bạn vẫn có thể nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ.

Nhân viên y tế sẽ vệ sinh vùng bụng thật sạch với dung dịch diệt khuẩn. Họ đặt một cái ống nhỏ vào vùng kín để dẫn nước tiểu ra ngoài.

Khi nằm trên bàn mổ, bạn sẽ được che chắn bằng những tấm khăn lớn, và đương nhiên là khăn này sạch tuyệt đối.

Cuộc mổ bắt đầu. Việc của bạn là nằm chờ ít phút, báo với bác sĩ các dấu hiệu khó chịu nếu có. Chắc chắn sẽ có ít nhất 2 nhân viên y tế đứng cạnh bên bạn, sẵn sàng hỗ trợ bạn. Một số nơi còn hỗ trợ cho chồng hay người thân vào để cổ vũ tinh thần. Có thể bạn sẽ vui thích với lựa chọn này, tuy nhiên, cần khuyến khích người chứng kiến cuộc mổ tìm hiểu thông tin để tránh sang chấn tinh thần.

Tuỳ tình trạng mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn cách phẫu thuật an toàn. Phần lớn sẽ rạch ngang bụng dưới (sẹo nằm ngay nếp bụng dưới của bạn) và rạch ngang một đoạn trên tử cung. Sau đó lấy em bé ra ngoài và đóng lại theo đúng trật tự của tạo hoá.

Vết thương bên ngoài được may bằng chỉ. Nếu là chỉ tự tan, bạn không cần cắt chỉ. Nếu là chỉ không tan, bác sĩ sẽ hẹn ngày để cắt chỉ. Hiện nay, còn có loại keo dán kín vết mổ, rất sạch và thẩm mĩ.

Xem thêm bài Những điều cần biết khi thực hiện sinh mổ lấy thai của TS.BS. Tô Mai Xuân Hồng

Tôi sẽ có những rủi ro gì khi sanh mổ?

Nhiễm trùng: do nhiều nguyên nhân khác nhau. Không thường gặp vì đa phần bác sĩ đã cho thuốc kháng sinh dự phòng chuyện này.

Chảy máu nhiều.

Tổn thương các cơ quan bên cạnh tử cung như bàng quang, tỷ lệ cũng không nhiều.

Dị ứng với thuốc: vì sanh mổ dùng nhiều thuốc hơn sanh thường nên nguy cơ dị ứng thuốc nhiều hơn.

Thời gian nằm viện lâu hơn sanh thường.

Hồi phục sau mổ

Bạn được gặp bé vài giờ sau mổ, khi tình trạng ổn định.

Bé vẫn có thể bú mẹ bình thường.

Đôi khi phải sử dụng thuốc giảm đau thêm sau khi thuốc tê hết tác dụng.

Vài giờ sau mổ, bác sĩ rút cái ống dẫn nước tiểu. Nhân viên y tế sẽ hỗ trợ bạn xoay trở, ngồi dậy và tập đứng, đi. Sẽ đau, nhưng hãy cố gắng vận động trong vòng 24 giờ sau mổ.

Sau khi về nhà: bạn sẽ thấy đau nhẹ vết mổ, đặc biệt khi cho con bú. Ra huyết ở âm đạo giảm dần. Nếu thấy đau bụng nhiều, sốt, đau mỏi hai chân, ra huyết nhiều, vết mổ hở, sưng đau…bạn cần đến bệnh viện ngay.

Bạn cũng có thể gặp chút phiền phức nếu chẳng may cơ địa sẹo lồi hoặc nhiễm trùng làm sẹo lành xấu.

Quay lại câu chuyện cái sẹo, đừng tưởng kể câu chuyện “sanh mổ” dễ hơn sanh thường. Không dễ để một đứa trẻ hiểu được tại sao phải rạch bụng, làm mẹ đau đớn. Chuyện quan trọng nhất tôi muốn nhắn gửi, đó là chọn giờ mổ cho con. Ai cũng muốn con mình được may mắn, hạnh phúc trọn đời. Nhưng hãy đặt sự an toàn của con lên hàng đầu trước đã. Không hiếm những đứa trẻ được ba mẹ chọn cho cái giờ chào đời khi thế gian đang ngáy ngủ, bác sĩ thì mệt phờ mệt phạc, bao nhiêu nguy hiểm chực chờ. Rồi khi con chưa đủ ngày đủ tháng, sinh ra ốm oặt ẹo nuôi trần ai, sáng ốm chiều đau, làm sao mà thành vĩ nhân cho được.

Vậy đó, sanh thường hay sanh mổ hãy tuỳ tình trạng mà thảo luận, bàn bạc. Ai đó đã nói, khi ở trạng thái cân bằng, quyết định của mình sẽ sáng suốt hơn. Đừng quá cực đoan điều gì. Cầu chúc mọi bà mẹ đều an lành, đón nhận em bé trong giỏ mây êm ái mà con cò thần tiên mang đến trong hân hoan và hạnh phúc.

Xem thêm bài Sinh mổ của Bác sĩ TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Tài liệu tham khảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *