Bé ho nhiều sổ mũi, viêm phổi – Câu hỏi thường gặp

Nội dung chính

  • 1 Câu hỏi 1
  • 2 Câu hỏi 2
  • 3 Câu hỏi 3
  • 4 Câu hỏi 4
  • 5 Câu hỏi 5
  • 6 Câu hỏi 6

Bài viết giải đáp các thắc mắc liên quan đến ho, sổ mũi, viêm phổi ở trẻ

  • Bé chỉ bị ho, không sổ mũi, không sốt thì có cần uống thuốc không?
  • Bé bị sổ mũi, không sốt, không thở nhanh thì phải làm gì cho bé nhanh hết sổ mũi mà không phải uống thuốc?
  • Chăm sóc bé bị viêm hô hấp trên.
  • Bé khám bị viêm tiểu phế quản cấp, uống thuốc khoảng 1h sau là ói (tự bé ói, trước không có) và sau khi uống thuốc thấy bé cáu gắt, khó chịu là vì lý do gì?
  • Bé bị sổ mũi, ho có đờm tái đi tái lại nhiều lần phải làm gì?
  • Làm thế nào để 1 bên mũi tắc hút được và có cách nào để cho hết dịch ở trong mũi không?

Câu hỏi 1

Người hỏi: Tiffany Dau – Ngày hỏi: 1/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Cháu nhà 6 tháng tuổi, đang bị ho khan, không sổ mũi, không sốt. Cháu đang bú sữa mẹ, chỉ mới tập ăn bột. Xin hỏi bác sĩ nên làm gì? Có cần đi khám uống thuốc không? Cảm ơn bác sĩ. Mẹ cháu cũng bị rát họng, chớm ho.

Trả lời

Chào bạn. Ho là một trong những dấu hiệu báo hiệu bệnh ở trẻ. Nhưng không phải luôn báo hiệu tình trạng nghiêm trọng ở trẻ. Thực tế thì ho là phản xạ có lợi cho bé để thải chất lạ ra khỏi đường thở.

Một số thông tin về ho ở trẻ như sau:

  • Ho khàn tiếng (hay “Barky cough”) thường do viêm đường hô hấp trên. Hầu hết ho khàn tiếng do Viêm thanh khí phế quản gây ra. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Viêm thanh khí phế quản
  • Ho gà (hay whooping cough): đây là biểu hiện của nhiễm vi khuẩn pertussis. Kiểu ho gập người sau cơn có tiếng rít, và có thể gây ói. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết ” Bạch hầu ho gà uốn ván
  • Ho kèm sò sè: nếu trẻ có tiếng sò sè khi thở ra là biểu hiện viêm đường hô hấp dưới. Nguyên nhân thường do hen phế quản hoặc viêm tiểu phế quản do virus. Ngoài ra, sò sè có thể gặp khi tắc nghẽn đường thở do dị vật. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Hen phế quản” hoặc http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003070.htm
  • Ho ban ngày (hay Daytime cough ): không khí lạnh hay trẻ năng động quá có thể gây ho suốt ngày. Phải chắc chắn không tìm thấy các nguyên nhân gây ho khác như bụi nhà, mở điều hòa lạnh, có khói thuốc. Tham khảo thêm: http://www.aaaai.org/…/at-a-glance/cough-in-children.aspx
  • Ho kèm sốt: Trẻ ho kèm sốt nhẹ, chảy mũi nước thường là do ho cảm lạnh. Nhưng nếu sốt cao 39 độ C thường do viêm phổi, đặc biệt khi kèm trẻ mệt mỏi và thở nhanh (Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên. Còn đối với trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên là thở nhanh). Lúc này cần khám bác sĩ gấp. Tham khảo thêm bài viết “Viêm phổi” và “Viêm phế quản cấp
  • Ho kèm nôn: khi trẻ ho nhiều dễ dẫn đến nôn. Nhiều trẻ cảm lạnh hoặc hen phế quản tiết nhiều chất nhầy mũi có thể đi vào dạ dày và gây nôn. Thường thì ho kèm nôn không phải dấu hiệu nguy hiểm trừ khi nôn liên tục. Tham khảo thêm bài viết “Cảm lạnh
  • Ho kéo dài (hay Persistent Cough ): Ho do cảm lạnh hay virus có thể kéo dài nhiều tuần, đặc biệt trẻ nhiễm cảm lạnh 2 đợt gần nhau. Các nguyên nhân gây ho kéo dài như hen phế quản, dị ứng, viêm xoang, viêm phổi… Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần hãy gọi bác sỹ.

Với tình trạng của cháu là ho khan, không sốt, không sổ mũi và nếu trẻ không khó thở hay sò sè, không có các tác nhân gây ho khác như bật điều hòa lạnh, bụi nhà, hút thuốc… thì chỉ là phản xạ thông thường của trẻ.

Có thể giảm ho bằng cách làm sạch đường thở: Nhỏ 3 giọt nước ấm hay nước muối sinh lý vào mỗi bên lỗ mũi (nhỏ từng giọt một và làm từng bên mũi). Sau 1 phút dùng ống hút mũi cao su để hút nước ra một cách nhẹ nhàng.

Bạn có thể đọc thêm cách chăm sóc trẻ trong bài “Cảm lạnh

Và đọc thêm các bệnh lý theo mùa sau tại sổ tay “Bệnh truyền nhiễm theo mùa và phòng tránh nhờn thuốc kháng sinh“.

Chúc cháu chóng khỏe!

Câu hỏi 2

Người hỏi: Tú Quỳnh – Ngày hỏi: 17/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ ơi cho em hỏi. Bé em nay được 3 tháng mà bị sỗ mũi, giờ không dùng thuốc vậy có cách gì cho nhanh hết không ạ? Không bị sốt, không thở nhanh. Sau hút mũi thì cũng đỡ nhưng vài tiếng sau bị lại. Sáng nay bé chuyển qua ho nữa ạ.

Trả lời

Như vậy cháu có thể đang cảm lạnh.

Chị tham khảo bài viết sau để biết thêm thông tin về bệnh “Cảm lạnh” cũng như cách chăm sóc cháu.

Câu hỏi 3

Người hỏi: Hoa Hồng Đen – Ngày hỏi: 17/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Bùi Thị Hằng

Câu hỏi

Con em 3.5 tháng, 5.8kg rồi, bị sổ mũi ít, mũi khô, bé ho nhiều và lúc ngủ thở nghe khò khè lắm, đi bệnh viện Nhi Đồng 1, chẩn đoán viêm hô hấp trên, kê thuốc uống cả tháng nay không hết bệnh, bác sĩ giúp em với.

Kê thuốc

  • Cefaclor 125mg.
  • Salbumol 2mg (Ventoline).
  • Sp. Pectol – 90ml.
  • Erythromycine 250mg.
  • Nacl – 10ml (nhỏ mũi).

Trả lời

BS. Bùi Thị Hằng

Đơn của con bạn gồm 2 loại kháng sinh, thuốc giãn phế quản, thuốc ho, dung dịch Nacl làm sạch mũi. Bạn đã cho con bạn uống gần 1 tháng mà trẻ vẫn còn ho và khò khè nhiều bạn nên đi khám lại, có thể cần chụp X-quang tim phổi. Kháng sinh này theo mình bạn không nên cho trẻ uống nữa vì đã dùng lâu, bạn có thể là sạch đường hô hấp trên, hỗ trợ vỗ rung giúp trẻ ho có hiệu quả.

BS. Trần Thị Kim Vân

Chào bạn. Khò khè kéo dài ở trẻ nhỏ thì nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là viêm đường hô hấp trên kéo dài (thường do nhiễm siêu vi hô hấp trùng lấp nhiều đợt, hoặc miễn dịch của trẻ chưa tốt), tiếng khò khè trong trường hợp này chủ yếu là do tiếng nước mũi truyền xuống. Bạn nên nhỏ nước muối sinh lý và hút mũi ngay sau đó cho bé, vì bé còn nhỏ không có khả năng hỉ mũi nếu mũi đặc.

Nguyên nhân thường gặp thứ 2 là trẻ có kèm theo Trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt bạn sẽ thường nghe khò khè trong hoặc sau bú, hoặc ban đêm. Những nguyên nhân ít gặp hơn là trẻ có bất thường bẩm sinh đường hô hấp hoặc trẻ có vấn đề tim mạch. Những bệnh lý này thường có biểu hiện sớm hơn từ giai đoạn sơ sinh, mức độ khò khè nhiều hơn, không liên quan ngày đêm, và có thể kèm khó thở (bạn sẽ đánh giá bằng cách quan sát ngực trẻ xem thở có nhanh không, có co lõm xương sườn không). Và tốt nhất bạn vẫn nên cho trẻ đi khám bác sĩ, vì chỉ với cách mô tả mà không trực tiếp khám thì tôi cũng không thể trả lời rõ ràng về tình trạng con bạn là như thế nào.

BS. Hạnh Chân

Tôi cũng xin bổ sung thêm 1 ý. Ở lứa tuổi nữa, có thêm 1 nguyên nhân gây khò khè kéo dài đó là hẹp lỗ mũi sau sinh lý. Bé sẽ có biểu hiện nghẹt mũi kéo dài, nhưng có lúc đỡ lúc nặng lên, đặc biệt là khi ngủ thì sẽ khò khè nhiều hơn. Mẹ có thể đặt bé nằm tư thế đầu và lưng cao hơn chút. Kèm theo nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Tình trạng này có thể giảm dần đến khi bé được 6 tháng. Nhưng tốt nhất thì tôi nghĩ bạn nên cho bé đi khám lại để loại trừ các nguyên nhân khác.

Câu hỏi 4

Người hỏi: Nu Ngok – Ngày hỏi: 25/5/2015

Tham gia tư vấn: BS.Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Chào bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Bé khám bị viêm tiểu phế quản cấp, uống thuốc khoảng 1h sau là ói (tự bé ói, trước không có) và sau khi uống thuốc thấy bé cáu gắt, khó chịu, mong bác sĩ tư vấn giúp em ạ.

Bé ho sổ mũi

Trả lời

Chào bạn, nếu bé chỉ ói sau 1 giờ uống thuốc mà không ói vào các thời điểm khác thì triệu chứng ói của bé có khả năng do tác dụng phụ của Erythromycine, bản thân những tác dụng phụ này cũng làm cho bé khó chịu và thể hiện qua phản ứng cáu gắt mà bạn quan sát thấy. Bạn có thể tạm ngưng dùng thuốc này cho bé. Ở đây, tôi không thể tư vấn thêm về thay đổi thuốc cho bé vì không biết về diễn tiến bệnh cũng như không được trực tiếp khám bé. Nếu bạn thấy bé có thuyên giảm thì có thể dùng tiếp toa nhưng ngưng Erythromycine và tái khám theo hẹn. Nếu có biểu hiện bất thường như trong Mục lưu ý có in trên toa thì bạn cho bé tái khám ngay.

Chúc bé chóng khỏe.

Trao đổi thêm

Dạ, em cám ơn, hôm qua tới giờ bé ói rất nhiều, đi khám bác sĩ vẫn kê Erythromycine và Motinorm (mỗi lần 2ml, ngày 4 lần).hiện tại bé vẫn cáu gắt, không khò khè nhưng ói khá nhiều (chiều giờ 5 lần, không ăn cũng ói, và bé ói rất dễ, bác sĩ có chỉ định siêu âm bụng và kết quả bình thường ạ.

BS. Trả lời

Với số lần và cách bé ói như chị tả thì bé cần được theo dõi sát. Tối nay chị có thể ngưng Erythromycine, có thể dùng Motinorm, nhưng nếu uống Motinorm làm cho bé ói thì chị cũng có thể tạm ngưng. Chú ý cho bé uống đủ nước, có thể chia nhỏ uống nhiều lần. Hạ sốt cho bé nếu có.

Nếu đúng bé bị viêm tiểu phế quản thì bản thân viêm tiểu phế quản khi diễn tiến nặng hơn cũng có thể làm cho bé ói nhiều. Ngoài những triệu chứng đã in trong toa, chị sẽ cần theo dõi một số triệu chứng khác cũng cần đưa bé tái khám ngay như bé thở rên, cánh mũi bé phập phồng theo nhịp thở, thở nhanh tăng đáng kể (khi bé đang nằm yên, hoặc ngồi yên, chị có thể đặt nhẹ tay trên ngực bé để cảm nhận nhịp thở, đếm nhịp thở bé trong 1 phút, bình thường bé sẽ thở <40 lần/phút, nếu chị thấy nhịp thở bé tăng nhanh ~ 60 lần/phút nên cho bé tái khám ngay). Lần tái khám ngày mai chị có thể trình bày với bác sĩ về diễn tiến ói của bé.

Một câu hỏi nhỏ, hiện tại bé đi tiểu thế nào? Lượng nước tiểu và màu nước tiểu ra sao?

Trao đổi thêm

Dạ, em cám ơn bác sĩ nhiều ạ. Hiện tại nước tiểu bé màu vàng đậm, và tiểu rất ít, như hồi 14h tới 21h, bé tiểu 2 lần và tiểu rất ít… Em có bổ sung nước cho bé, nhưng bé uống được khoảng 30p sau thì bé cũng tự ói, không cho ăn, uống thì thấy bé cũng ói, nhưng không ói được, còn cho uống sữa hoặc ăn cháo (ăn rất ít) thì bé ói ra hết ạ. Bé ói xong thì vẫn chơi bình thường, lúc ói cũng không khóc, giống như phun thức ăn ra thôi ạ.

BS. Trả lời

Xin lỗi chị vì trả trả lời khá trễ. Bé đã giảm ói chưa? Lượng và tính chất nước tiểu cho thấy bé không nhận đủ lượng nước cần thiết, nếu bé vẫn đang tiếp tục ói như thế thì chị cho bé đi tái khám ngay nhé.

Câu hỏi 5

Người hỏi: Mỹ Hảo – Ngày hỏi: 2/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Bác sĩ giúp con với! Bé trai nhà con được 9m20 ngày, nặng 9 kg, cao 75cm. Bé chưa mọc răng. Hơn 3 tháng nay bé bị sổ mũi, ho, đờm cứ tái đi tái lại nhiều lần. Hình như tháng nào bé cũng đi khám bệnh tới 2-3 lần. Uống thuốc thì hết rồi vài bữa lại bị bệnh tiếp. Mấy hôm nay bé lại bệnh sổ mũi, ho nhiều và có đờm nhiều, bé ăn và uống sữa hay ói ra. Bác sĩ tư vấn giùm nên cho bé uống gì để hết đờm và không bệnh đường hô hấp. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Cân nặng và chiều cao của bé phát triển rất tốt, hiện tại đã tương đương với một bé 12 tháng rồi. Không chỉ riêng con chị, đa phần các bé ở lứa tuổi này đều thường xuyên mắc những đợt viêm hô hấp trên nhẹ với biểu hiện ho, sổ mũi, tuy nhiên chủ yếu đều do siêu vi. Thường thì các triệu chứng như ho, sổ mũi sẽ cải thiện trong vòng 7 ngày, ho khúc khắc do phản xạ nhiều khi kéo dài lâu hơn một chút, thậm chí nếu đợt bệnh sau gối đầu lên đợt bệnh trước thì chị sẽ có cảm giác như bệnh kéo dài không giảm. Ho chính là một cơ chế bảo vệ của cơ thể trẻ, thế nên nếu ho không gây quá nhiều khó chịu cho trẻ thì chị cũng không cần phải lo lắng quá mức.

Về thuốc thì tôi không thể tư vấn cho chị vì chỉ có qua thăm khám trực tiếp mới có thể ra toa chính xác được. Nhưng chị có thể chú ý một số điểm quan trọng để chăm sóc bé trong đợt bệnh này:

  • Vệ sinh mũi cho bé với nước muối sinh lý (dạng nhỏ giọt hay dạng xịt đều được) thường xuyên để đảm bảo mũi thông thoáng tốt.
  • Cho bé ăn uống theo nhu cầu, chú ý uống đủ nước. Chị cũng lưu ý không ép bé ăn quá mức sẽ làm bé dễ ói và sợ bữa ăn. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng hiện tại của bé có vẻ cũng đã khá ổn rồi (đánh giá qua cân nặng và chiều cao của bé mà chị đã cung cấp).
  • Theo dõi những dấu hiệu trở nặng để đưa bé đi khám kịp thời: sốt cao, khó thở, tiếng thở bất thường, thở mệt, ói nhiều, lừ đừ, hoặc bất cứ triệu chứng bất thường nào khiến chị và gia đình lo lắng.

Ngoài ra, để phòng ngừa những đợt bệnh khác cho bé, chị có thể để ý một số điểm:

  • Thường xuyên rửa tay trước khi chăm sóc bé với xà phòng, để đơn giản, chị có thể dùng các loại dung dịch rửa tay nhanh bán khá thường tại các hiệu thuốc.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Nếu trong gia đình có người viêm đường hô hấp thì hạn chế tiếp xúc bé (hoặc nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang).
  • Giữ cho môi trường xung quanh bé không khói thuốc lá

Chúc bé chóng khỏe!

Trao đổi thêm

Dạ cảm ơn bác sĩ. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên có ở chung phòng trọ với ông bà. Ông cháu hút thuốc nhiều lắm, điều này không thể tránh khỏi việc cháu không hít khói thuốc. Không biết có loại thuốc gì để bé uống giúp bé chống được bệnh đường hô hấp, có thể cho bé uống Previpteen 2 được không ạ.

BS. Trả lời

Ngoại trừ vài loại vắc-xin giúp ngừa một số bệnh có liên quan, sẽ không có một loại thuốc nào giúp bé chống bệnh đường hô hấp như chị mong muốn. Nhưng những đợt nhiễm trùng nhẹ như thế này cũng có mặt lợi cho bé, khi giúp cơ thể bé được “tiếp xúc” với các tác nhân bệnh để từ đó tự cơ thể bé sẽ hình thành khả năng giúp bé chống lại các đợt bệnh về sau.

Với một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bé tăng trưởng tốt như trường hợp con chị thì hầu như chị không cần phải bổ sung bất kỳ thứ thuốc bổ gì cho bé nữa. Mặt khác, bất cứ khi nào muốn cho bé uống thứ thuốc gì chị cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin từ các bác sĩ hoặc dược sĩ vì thuốc gì cũng có tác dụng phụ cả.

Về chuyện hút thuốc lá, theo ý tôi, chị có thể khuyên ông từ từ, có thể bắt đầu bằng việc đề nghị ông đừng hút thuốc trong nhà hay gần góc của bé. Mưa dầm thấm lâu, tôi tin với tình thương bé của ông và chị, dần dần chị sẽ thuyết phục được ông.

Câu hỏi 6

Người hỏi: Hai Hoang – Ngày hỏi: 9/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Cháu nhà em được 2.5 tháng nặng 6.4kg. Mấy hôm nắng nóng 38 độ, con nhà em mũi hơi khụt khịt, kèm theo ho. Em cho cháu đi khám bác sĩ bảo cháu nhà em chưa bị viêm phế quản chỉ đang theo dõi bị viêm phế quản. Trong mũi có nhiều dịch. Bác sĩ bảo phải thường xuyên rửa mũi cho cháu. Vợ chồng em ngày rửa cho cháu 2 lần. Rửa xong em hút mũi cho cháu, 1 bên thì hút được, 1 bên thì bị tắc không thể nào hút được ra. Bác sĩ tư vấn cho em xem làm thế nào để 1 bên mũi tắc hút được và có cách nào để cho hết dịch ở trong mũi không ạ! Cháu nhà em bị đến hôm nay là gần 1 tuần. Cháu vẫn bú mẹ bình thường, không sốt. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

Trả lời

Chào chị. Chị đã làm rất tốt khi cho bé bú mẹ hoàn toàn.

Với bé ở lứa tuổi con chị, chị có thể kết hợp nhỏ nước muối sinh lý kèm bầu hút. Để bé ở tư thế nằm ngửa, hơi nâng cao đầu. Mẹ rửa tay trước khi làm vệ sinh mũi cho bé. Nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào một bên mũi. Cố gắng giữ đầu trẻ ở nguyên vị trí trong 10 giây. Đừng lo lắng khi thấy nước muối chảy ngược ra hay trẻ nhảy mũi ra vì vẫn có một phần nước muối đi được vào đường mũi. Làm từng mũi. Đối với bên nghẹt nhiều, sau khi nhỏ nước muối khoảng 30s chị có thể dùng bầu hút để hút, nếu vẫn còn nghẹt sau 5-10 phút, chị có thể nhỏ nước muối và hút lại một lần nữa. Tuy nhiên, không nên dùng bầu hút quá nhiều lần trong ngày vì sẽ gây kích thích đường mũi trẻ, chị có thể hút khoảng 3-4 lần mỗi ngày.

Chị có thể làm vệ sinh mũi cho bé khi thấy bé khó chịu, khó thở do nghẹt mũi, kể cả khi bé không bệnh. Thông thoáng mũi trước khi cho bé bú sẽ giúp bé bú tốt hơn. Không nên vệ sinh mũi ngay sau khi bé vừa bú.

Các đợt nhiễm siêu vi bé ở độ tuổi nhỏ như con chị thường có thể kéo dài hơn các bé lớn nhưng sẽ tự hết. Chị cứ chăm sóc bé bình thường, cho bé bú đủ nhu cầu, giữ vệ sinh và thông thoáng mũi cho bé. Nếu bé vẫn bú tốt, chơi và ngủ bình thường thì mẹ cũng không cần lo lắng quá. Nếu tình trạng nghẹt mũi không cải thiện dù chị đã làm đúng các bước trước và khiến cho bé bú kém, kém chơi, bứt rứt khó ngủ thì chị hãy cho bé đi khám bác sĩ.

Chúc bé chóng khỏe.

Câu hỏi 7

Người hỏi: Nham Hien Giang – Ngày hỏi: 18/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào các bác sĩ trong Group Nhi khoa Y học cộng đồng ạ. Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ rất hay gặp và việc sử dụng dụng cụ hút mũi cùng nước muối sinh lý ấm (NaCl 0.9%), theo em được biết rất phổ biến ở các trang mạng Việt cũng như 1 số trang nước ngoài. Cách đây 2 tuần bé nhà em (14 tháng nặng 9.3 kg) có triệu chứng chảy nước mũi trong sau đó chuyển thành nhiều đờm gây khó ngủ ban đêm có kèm theo ho ít, sốt nhẹ ( 37.5-38 độ) trong 3 ngày nhưng vẫn ăn uống bình thường ạ.Tại nhà em có dùng dụng cụ hút mũi và Nacl ấm rửa và hút cho bé. Nhưng không đỡ nên sau đó đã đi khám và lấy thuốc uống. Anh chị có thể tư vấn dùm em là việc bơm rửa bằng nước muối sinh lý như em đã làm ở trên có được không ạ? Và nếu được thì mấy tuổi có thể áp dụng ạ? Cám ơn anh chị nhiều ạ.

Trả lời

Chào chị. Vệ sinh mũi là cách giúp phòng và hỗ trợ điều trị cách bệnh lý về đường hô hấp.

Trẻ mới sinh ra khi có dấu hiệu nghẹt mũi cần phải được làm sạch và thông mũi.

Sử dụng nước muối sinh lý Nacl 0.9% là dung dịch đẳng trương để rửa mũi cho bé. Làm ấm dung dịch trước khi nhỏ mũi từ 34-37 độ C.

Lưu ý:

  • Không nên dùng ống xịt phun sương cho bé dưới 2 tháng.
  • Không dùng bình xịt mũi của người lớn rửa mũi cho trẻ.
  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi số lần nhỏ và hút rửa mũi không quá 4 lần/ ngày. Trẻ lớn hơn thì 2 lần/ngày do trẻ có thể tự mình xì mũi.

Cách nhỏ và hút rửa mũi với bầu hút:

  • Đầu tiên bóp thử kiểm tra bầu hút có hút và nhả khí hay không trước khi sử dụng.
  • Đặt trẻ tư thế nằm nghiêng hoặc bồng trẻ nửa nằm nửa ngồi khoảng 40 độ.
  • Nhỏ mỗi bên mũi 1-2 giọt NaCl 0.9%, giữ đầu trẻ ngửa nhẹ ra sau trong 10 giây. Sau 1 phút tiến hành hút mũi.
  • Dùng bàn tay còn lại bóp không khí ra ngoài bơm hút và giữ chặt như vậy. Nhẹ nhàng đưa đầu ống bơm hút vào mũi cháu.
  • Nhớ: Không đưa đầu ống bơm hút quá sâu hoặc quá chặt vào mũi cháu.
  • Thả dần ngón tay đang bóp bơm hút ra và theo dõi bơm hút rút đầy không khí vào và rút theo một cách nhẹ nhàng chất nhầy trong mũi cháu. Rút nhẹ bơm hút ra khỏi mũi cháu.
  • Bóp bơm hút để giải phóng ( tống) chất nhầy ( thường lên miếng giấy vệ sinh chuẩn bị sẵn (để dễ theo dõi chất tiết/dịch ở mũi).
  • Lặp lại như vậy với lỗ mũi bên kia.
  • Dùng bông hoặc khăn mặt lau nhẹ dưới mũi cho cháu.
  • Có thể thoa một ít Vaselin ngay dưới mũi cháu để tránh làm rát mũi do lau nhiều.

Tương tự với ống hút mũi một cần hay 2 cần: thay vì bóp bầu hút thì chị dùng miệng hút gián tiếp qua một ống hút.

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *