Thông liên thất

Nội dung chính

  • 1 Thông liên thất là gì?
  • 2 Thông liên thất là gì?
  • 3 Nguyên nhân của thông liên thất?
  • 4 Yếu tố nguy cơ
  • 5 Triệu chứng thông liên thất
  • 6 Chẩn đoán thông liên thất
  • 7 Điều trị thông liên thất
  • 8 Chăm sóc trẻ bị thông liên thất
  • 9 Tài liệu tham khảo

Thông liên thất (TLT) là một dạng bệnh tim bẩm sinh trong đó có sự hiện diện của một lỗ thông bất thường giữa hai buồng tâm thất của tim. Đây là dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất, đa số bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị thành công với ít tai biến.

Thông liên thất là gì?

Thông liên thất (TLT) là một dạng bệnh  tim bẩm sinh trong đó có sự hiện diện của một lỗ thông bất thường giữa hai buồng tâm thất của tim. Đây là dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất, đa số bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị thành công với ít tai biến.

Thông liên thất là gì?

Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, trước tiên chúng ta sẽ sơ lược qua về cấu trúc của một trái tim bình thường.

Tim có tất cả 4 buồng: 2 buồng nằm ở phía dưới có nhiệm vụ tống máu ra ngoài tim được gọi là tâm thất, 2 buồng phía trên nhận máu trở về tim được gọi là tâm nhĩ.

Bình thường, máu sau khi đi nuôi các cơ quan trong cơ thể sẽ đổ về tâm nhĩ phải với nồng độ oxy thấp (máu đen). Lượng máu này sẽ đổ xuống tâm thất phải, sau đó được bơm lên phổi để nhận oxy (máu đỏ). Sau khi đã được gắn với oxy, máu sẽ trở về tâm nhĩ trái, rồi đến thất trái. Máu sẽ được tim bơm lên động mạch chủ – một mạch máu lớn – để phân phối khắp cơ thể.

Tâm thất phải và trái được ngăn cách nhau bởi một vách gọi là vách liên thất.

Những trẻ em với thông liên thất sẽ có một lỗ thông tại vách liên thất. Khi tim co bóp, một lượng máu từ thất trái (máu được bão hòa oxy từ phổi) có thể đi qua lỗ thông này vào tâm thất phải. Ở tâm thất phải, máu giàu oxy và máu nghèo oxy sẽ trộn lẫn với nhau và được bơm lên phổi. Lượng máu đi qua lỗ thông tạo ra tiếng ồn, gọi là âm thổi. Âm thổi này có thể được nghe thấy khi bác sĩ dùng đến ống nghe.

Thông liên thất có thể nằm ở các vị trí khác nhau trên vách liên thất và kích thước cũng có thể khác nhau. Triệu chứng của thông liên thất cũng như việc điều trị bệnh sẽ tùy thuộc và các yếu tố này. Trong một vài trường hợp hiếm gặp, thông liên thất là một phần của một loại bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp khác.

Thông liên thất

Nguyên nhân của thông liên thất?

Thông liên thất xuất hiện trong quá trình phát triển của thai nhi và biểu hiện sau khi sanh. Trong những tuần đầu sau khi thụ thai, tim được hình thành từ một ống lớn, sau đó phân chia ra thành những phần sau này sẽ phát triển thành các vách và các buồng tim. Nếu có một bất thường xuất hiện trong quá trình này, nó có thể tạo ra một lỗ thông trên vách liên thất gây nên thông liên thất sau này.

Trong một vài trường hợp, khuynh hướng hình thành thông liên thất có thể do bất thường về gen do sự thêm hay bớt một nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau đây trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con với một khuyết tật tim trong đó có thông liên thất.

  • Mẹ nhiễm Rubella trong khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật tim của thai nhi. Virus rubella qua nhau thai và lây lan qua hệ thống tuần hoàn mạch máu thai nhi gây tổn thương các cơ quan, bao gồm cả tim.
  • Bệnh tiểu đường khó kiểm soát. Bệnh tiểu đường của người mẹ không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu thai nhi, gây ra nhiều hiệu ứng gây hại cho phát triển của thai nhi.
  • Mẹ sử dụng ma túy hoặc uống rượu hoặc tiếp xúc với các chất độ hại, phóng xạ  trong khi mang thai.

Triệu chứng thông liên thất

Thông liên thất thường được bác sĩ phát hiện trong những tuần đầu sau khi sanh bằng những xét nghiệm thường quy. Bác sĩ có thể phát hiện âm thổi, tiếng tạo ra do dòng máu di chuyển từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Âm thổi này có những đặc điểm riêng biệt giúp bác sĩ có thể phân biệt được với âm thổi trong các bệnh lý khác.

Kích thước lỗ thông và vị trí của nó trên vách liên thất quyết định triệu chứng của bệnh. Những trường hợp thông liên thất nhỏ thường không gây ra triệu chứng, và có thể tự đóng lại. Những đứa trẻ lớn có thông liên thất nhỏ thường không có triệu chứng gì khác ngoài âm thổi được phát hiện qua việc nghe tim. Do đó chúng cần được đi khám đều đặn để theo dõi chắc chắn bệnh không gây ra vấn đề gì.

Những trường hợp thông liên thất trung bình hoặc lớn không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều triệu chứng đáng kể. Những đứa bé sẽ thở nhanh, khó thở, đổ mồ hôi khi bú và thường sẽ tăng cân chậm hơn những đứa trẻ cùng lứa.

Những triệu chứng như vậy chỉ ra rằng thông liên thất sẽ không tự đóng và cần phải được phẫu thuật. Phẫu thuật nên được thực hiện trong 3 tháng đầu để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ cho thuốc để làm giảm triệu chứng bệnh.

Những trẻ bị thông liên thất có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (VNTMNT) sau này, một tình trạng nhiễm trùng lớp lót mặt trong của tim (nội mạc). VNTMNT xảy ra khi vi khuẩn trong dòng máu đến bám vào và gây nhiễm trùng lớp nội mạc tim. Vi khuẩn luôn luôn hiện diện trong miệng chúng ta, một số lượng nhỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong máu khi chúng ta nhai hoặc đánh răng. Cách tốt nhất để phòng ngừa VNTMNT đó là vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày và đi khám nha sĩ đều đặn. Không khuyến cáo bệnh nhân thông liên thất sử dụng kháng sinh phòng ngừa khi làm thủ thuật nha khoa, ngoại trừ 6 tháng đầu sau khi phẫu thuật.

Chẩn đoán thông liên thất

Nếu con bạn được phát hiện có âm thổi ở tim, bác sĩ sẽ khuyên bạn đưa bé đến gặp chuyên gia về tim mạch, người sẽ giúp chẩn đoán và điều trị các tình trạng bệnh lý tim mạch của bé.

Ngoài những thăm khám thường quy, bác sĩ tim mạch sẽ khai thác về các tiền sử bệnh lý của bé. Nếu nghi ngờ thông liên thất, con bạn sẽ được cho thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • X- quang phổi
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim – phương pháp dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc tim cũng như hoạt động dòng máu trong tim. Đây thường là phương pháp đầu tay giúp chẩn đoán thông liên thất
  • Thông tim – phương pháp này thường chỉ được thực hiện khi những xét nghiệm trên không cung cấp đủ thông tin cần thiết về thông liên thất

Điều trị thông liên thất

Một khi thông liên thất được chẩn đoán, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào tuổi của trẻ, vị trí và kích thước lỗ thông. Trường hợp thông liên thất nhỏ, không triệu chứng có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mà không cần điều trị gì đặc hiệu. Hầu hết trường hợp, thông liên thất nhỏ sẽ tự đóng mà không cần phẫu thuật. Một số trẻ lỗ thông không tự đóng nhưng cũng không lớn thêm. Những đứa trẻ với thông liên thất nhỏ không tự đóng nhìn chung không bị hạn chế hoạt động.

Trẻ với thông liên thất vừa hoặc lớn cần được phẫu thuật. Đa số trường hợp, phẫu thuật được thực hiện trong những tuần đầu tiên. Để tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường dọc giữa ngực để bộc lộ trái tim, một máy tim phổi nhân tạo sẽ duy trì tuần hoàn của trẻ trong khi bác sĩ vá lỗ thông lại. Phẫu thuật viên có thể khâu trực tiếp lỗ thông hoặc đắp một mảnh vật liệu nhân tạo lên lỗ thông và khâu nó lại. Nhìn chung, lỗ thông sẽ đóng hoàn toàn sau 6 tháng phẫu thuật.

Một số loại thông liên thất có thể được đóng bằng thông tim. Một ống thông mỏng, co dãn được đưa vào trong mạch máu ở đùi và luồn đến tim. Bác sĩ tim mạch sẽ luồn ống thông vào trong tim để đo lưu lượng máu, áp suất và nồng độ oxy trong các buồng tim. Sau đó, một thiết bị chuyên dụng được đưa vào lỗ thông, sau khi được bung ra sẽ bít 2 đầu của lỗ thông và đóng hoàn toàn thông liên thất lại. Sau khi được can thiệp đóng lỗ thông thành công, đứa bé sẽ không còn triệu chứng nữa.

Chăm sóc trẻ bị thông liên thất

Một số trẻ được kê thuốc để làm giảm triệu chứng trước khi phẫu thuật. Những trường hợp thông liên thất lớn có thể xuất viện trong vòng 4-5 ngày sau phẫu thuật nếu không có vấn đề gì.

Hầu hết trường hợp, trẻ em được phẫu thuật sẽ phục hồi nhanh chóng nhưng vẫn cần phải theo dõi thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Trẻ có thể được siêu âm lại để chắc chắn lỗ thông được đóng lại hoàn toàn.

Những triệu chứng gợi ý có vấn đề bao gồm:

  • Da quanh miệng, môi và lưỡi xanh hoặc hơi tím
  • Chán ăn
  • Tăng cân chậm hoặc sụt cân
  • Trẻ chậm, giảm vận động
  • Sốt kéo dài
  • Vết mổ sưng, đau và chảy mủ

Thông báo cho bác sĩ bất cứ triệu chứng nào trong các triệu chứng kể trên sau phẫu thuật đóng lỗ thông

Khi một đứa trẻ được chẩn đoán thông liên thất, điều này luôn là một sự lo lắng cho bố mẹ chúng. Nhưng tin tốt là, đây là một bệnh lý có thể được điều trị rất hiệu quả. Hầu hết trẻ em được điều trị thành công và có cuộc sống khỏe mạnh bình thường về sau.

Tài liệu tham khảo

http://kidshealth.org/parent/medical/heart/vsd.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *